Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 15
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến chúng sanh được tồn tại, được bảo hộ và nuôi lớn. Là bốn loại thức ăn nào? Một là thô đoàn thực. Hai là tế xúc thực. Ba là ý tư thực. Bốn là thức thực.
Lúc ấy, có Tỳ-kheo tên là Phả-cầu-na31 đang đứng cầm quạt hầu phía sau đức Phật, bạch rằng:
_ Bạch đức Thế Tôn, ai sử dụng thức ăn là thức này?
Phật dạy Phả-cầu-na:
_ Ta không nói có người ăn loại thức ăn là thức này. Nếu Ta nói có người ăn loại thức ăn là thức này thì thầy mới hỏi như thế. Ta nói thức là thức ăn, thầy nên hỏi như vầy: “Do nhân duyên gì mà có thức thực?” Ta sẽ đáp: “Thức thực có thể chiêu cảm sự hiện hữu trong tương lai, khiến cho sự sanh được tiếp diễn, vì có hữu nên có sáu xứ, do duyên sáu xứ nên có xúc.” Phả-cầu-na lại hỏi:
_ Bạch đức Thế Tôn, vậy ai cảm xúc?
Phật dạy Phả-cầu-na:
_ Ta không nói có người cảm xúc. Nếu Ta nói có người cảm xúc thì thầy mới hỏi như vầy: “Vậy ai cảm xúc?” Thầy nên hỏi như vầy: “Do nhân duyên gì mà xúc sanh khởi?” Ta sẽ đáp như sau: “Do duyên sáu xứ mà xúc sanh khởi, do duyên xúc mà thọ sanh khởi.” Phả-cầu-na lại hỏi:
_ Bạch đức Thế Tôn, vậy ai cảm thọ?
Phật bảo Phả-cầu-na:
_ Ta không nói có người cảm thọ. Nếu Ta nói có người cảm thọ thì thầy mới hỏi: “Ai cảm thọ?” Thầy nên hỏi: “Do nhân duyên gì mà có thọ?” Ta sẽ đáp như vầy: “Do duyên xúc mà có thọ, do duyên thọ mà có ái.”
Lại hỏi:
_ Bạch đức Thế Tôn, vậy ai ái?
Phật bảo Phả-cầu-na:
_ Ta không nói có người ái. Nếu Ta nói có người ái thì thầy mới hỏi Ta: “Vậy ai ái?” Thầy nên hỏi: “Do nhân duyên gì mà có ái?” Ta sẽ đáp như vầy:
“Vì duyên thọ mà có ái, do duyên ái mà có thủ.” Lại hỏi:
_ Bạch đức Thế Tôn, là ai thủ?
Phật bảo Phả-cầu-na:
_ Ta không nói có người thủ. Nếu Ta nói có người thủ thì thầy mới hỏi: “Là ai thủ?” Thầy nên hỏi: “Do duyên gì mà có thủ?” Ta sẽ đáp: “Do duyên ái mà có thủ, do duyên thủ mà có hữu.” Lại hỏi:
_ Bạch đức Thế Tôn, là ai hữu?
Phật bảo Phả-cầu-na:
_ Ta không nói có người hữu. Nếu Ta nói có người hữu thì thầy mới hỏi: “Là ai hữu?” Thầy nên hỏi: “Do duyên gì có hữu?” Ta sẽ đáp: “Do duyên thủ mà có hữu, có thể chiêu cảm hữu sanh xúc trong tương lai.” Đó gọi là hữu.
Do có hữu nên có sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não. Như vậy, toàn bộ khối khổ lớn tập khởi.
Nếu sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não đều diệt. Như vậy, toàn bộ khối khổ lớn diệt.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.372. 0102a12). Tham chiếu: S. 12.12 - II. 12. 31 Phả-cầu-na (頗求那, Phagguna) gọi đủ là Moḷiya Phagguna.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.