Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 15

 

403. THÔNG ĐẠT THÁNH ĐẾ[1][2]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa trong nhân gian tại nước Ma-kiệt-đà.

Giữa thành Vương Xá[3] và thành Ba-la-lợi-phất[4] có một xóm Rừng Trúc.[5] Tại đây, vua cho xây dựng một ngôi nhà phúc đức.[6] Khi ấy, Thế Tôn cùng với đại chúng nghỉ đêm trong ngôi nhà này.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Ta và các thầy vì không nhận biết, không thấy rõ, không giác ngộ,[7] không quán triệt[8] về bốn Thánh đế nên mới rong ruổi lâu dài ở trong sanh tử. Bốn Thánh đế là những gì? Đó là Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ, Thánh đế về khổ diệt và Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt. Ta và các thầy vì không nhận biết, không thấy rõ, không giác ngộ, không quán triệt về bốn Thánh đế nên mới rong ruổi lâu dài ở trong sanh tử.

Nay Như Lai và các thầy đã nhận biết, đã thấy rõ đối với Thánh đế về khổ này cho nên chặt đứt các dòng hữu,115 chấm dứt sanh tử, không thọ thân sau; đối với Thánh đế về nguyên nhân của khổ, Thánh đế về khổ diệt và Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt cũng đã nhận biết, đã thấy rõ, cho nên chặt đứt các dòng hữu, chấm dứt sanh tử, không thọ thân sau.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nếu người nào chưa giác ngộ[9] đối với bốn Thánh đế thì phải nỗ lực tinh tấn, phát khởi ước muốn tăng thượng, tu tập để giác ngộ.

Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ:

Ta cùng với các thầy,
Mãi nổi trôi sanh tử,
Do không thấy Thánh đế,
Nên khổ ngày càng tăng.
Nếu thấy rõ Thánh đế,
Sẽ dứt các dòng hữu,
Sanh tử trừ sạch rồi,
Không còn thọ sanh nữa.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.403. 0108a04). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02.

[2] .25.1. 0631a07); S. 56.21 - V. 431.

[3] Vương Xá (王舍, Rājagaha).

[4] Ba-la-lợi-phất (波羅利弗, Pātaliputta). Thành này do hai vị đại thần của nước Ma-kiệt-đà tên là Vassakara và Sunidha xây dựng. Theo D. 16, Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Đại Bát-niết-bàn).

[5] Nguyên tác: Trúc Lâm tụ lạc (竹林聚落, Koṭigāma).

[6] Phúc đức xá (福德舍). Bấy giờ, nước Câu-tát-la không có Tăng-già-lam và nhà nghỉ chân. Có một cư sĩ vì muốn làm phúc nên dựng chỗ trú chân và chuẩn bị các thức ăn uống cúng dường chúng Tăng qua lại. Vị này chỉ cúng một bữa ăn và giúp cho nghỉ một đêm, chứ không thể cúng nhiều. Vì phúc đức mà dựng nhà, nên các Luật tạng đều gọi là nhà phúc đức. Theo Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích 四分律名義標釋 (X.44. 0744.13. 0502b06). Kinh S. 1.33 - I. 20 chỉ gọi là upassaya, là chỗ ở, nơi cư ngụ.

[7] Nguyên tác: Vô tùy thuận giác (無隨順覺, ananubodha): Chưa được giác ngộ một cách phù hợp, chưa được giác tri, liễu giải chính xác.

[8] Nguyên tác: Vô tùy thuận thọ (無隨順受, appaṭivedha): Chưa quán triệt, chưa thông đạt. 115 Nguyên tác: Hữu lưu (有流, bhavogha): Dòng xoáy của hữu.

[9] Nguyên tác: Vô gián đẳng (無間等). Xem chú thích 23, kinh số 105, quyển 5, tr. 135; Tạp. 雜 (T.02. 0099.105. 0031c15).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.