Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 15

 

397. THỂ NHẬP CHÂN LÝ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Lộc Dã, trú xứ của Tiên nhân, thuộc nước Ba-la-nại.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu nói như vầy: “Tôi chưa giác ngộ90 đối với Thánh đế về khổ, chưa giác ngộ đối với Thánh đế về nguyên nhân của khổ, chưa giác ngộ đối với Thánh đế về khổ diệt mà nói tôi sẽ giác ngộ đối với Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt” thì lời nói này không đúng. Vì sao như vậy? Vì điều ấy không thể xảy ra.

Nếu chưa giác ngộ đối với Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ, cũng chưa giác ngộ đối với Thánh đế về khổ diệt mà nói: “Tôi muốn giác ngộ đối với Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt”, điều này không thể xảy ra.

Ví như có người nói: “Tôi muốn lấy lá khư-đề-la[2] kết lại làm vật dụng đựng nước để mang đi”, điều này không thể xảy ra. Vì sao như vậy? Vì không có lẽ ấy. Cũng vậy, nếu nói như vầy: “Tôi chưa giác ngộ đối với Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ, cũng chưa giác ngộ đối với Thánh đế về khổ diệt, lại muốn được giác ngộ đối với Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt”, điều này không thể xảy ra.

Nếu lại có người nói: “Tôi đã giác ngộ đối với Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ và đã giác ngộ đối với Thánh đế về khổ diệt, lại nữa, đã giác ngộ đối với Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt”, đây là lời nói khéo léo. Vì sao như vậy? Vì điều này có thể xảy ra.

Nếu đã giác ngộ đối với Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ và Thánh đế về khổ diệt rồi, lại muốn giác ngộ đối với Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt, điều này có thể xảy ra.

Ví như có người nói: “Tôi lấy lá hoa sen lớn,[3] lá dây ma-lâu-ca[4] kết lại thành vật dụng để đựng nước đem đi.” Đây là lời nói khéo léo. Vì sao như vậy? Vì điều này có thể xảy ra. Cũng như thế, nếu nói rằng: “Tôi đã giác ngộ đối với Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ và đã giác ngộ đối với Thánh đế về khổ diệt rồi, lại muốn giác ngộ đối với Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt.” Đây là lời nói khéo léo. Vì sao như vậy? Vì điều này có thể xảy ra.

Nếu đã giác ngộ đối với Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ và đã giác ngộ đối với Thánh đế về khổ diệt rồi, lại muốn giác ngộ đối với Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt, điều này có thể xảy ra.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.397. 0107a03). Tham chiếu: S. 56.32 - V. 438. 90 Nguyên tác: Vô gián đẳng (無間等). Xem chú thích 60, kinh số 23, quyển 1, tr. 21; Tạp. 雜 (T.02. 0099.23. 0005a11).

[2] Nguyên tác: Khư-đề-la (佉提羅), cũng gọi là khư-để-la-ca (佉提羅迦), là một loài cây thân mộc thuộc họ lá kim, có mặt trong cổ thư Ayurveda, gọi là khadira, tên thông dụng là cây keo cao, có tên khoa học là Acacia Catechu.

[3] Nguyên tác: Đàm-ma (曇摩), gọi đủ là bát-đàm-ma (鉢曇, paduma): Hoa sen. Xem Tạp. 雜 (T.02. 0099.103. 0030b13).

[4] Nguyên tác: Ma-lâu-ca (摩樓迦), còn có tên là ma-lỗ-ca, ma-lợi-ca (摩魯迦, 摩利迦, mālikā hoặc là māluvā), một loại thực vật dây leo.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.