Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 15

 

396. CHỨNG TU-ĐÀ-HOÀN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Lộc Dã, trú xứ của Tiên nhân, thuộc nước Ba-la-nại.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ví như mặt trời xuất hiện, vận hành giữa hư không, phá tan các sự tối tăm, ánh sáng chiếu soi rực rỡ. Cũng vậy, vị Thánh đệ tử đối với các pháp tập khởi, tất cả đều đã diệt trừ, xa lìa các phiền não, sanh khởi pháp nhãn cùng với sự thông đạt nên đoạn trừ ba kiết sử, đó là thân kiến, giới thủ và nghi. Đoạn trừ sạch ba kiết sử này gọi là bậc Tu-đà-hoàn, không còn rơi vào cõi xấu ác, chắc chắn[2] hướng đến Chánh giác,[3] còn bảy lần qua lại cõi trời, cõi người là vượt thoát khỏi khổ.

Vị Thánh đệ tử ấy ở khoảng giữa tuy có khởi lên lo buồn, đau khổ nhưng vị Thánh đệ tử ấy đã lìa tham dục và pháp bất thiện, có giác có quán, do lìa dục sanh hỷ lạc, chứng đắc và an trụ Sơ thiền nên vị Thánh đệ tử ấy không còn một pháp nào mà không đoạn trừ, có thể khiến sanh trở lại cõi đời này. Vị Thánh đệ tử như thế là thành tựu ý nghĩa lớn của việc chứng đắc pháp nhãn.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nếu người nào chưa giác ngộ[4] đối với bốn Thánh đế thì phải nỗ lực tinh tấn, phát khởi ước muốn tăng thượng, siêng năng tu tập.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.396. 0106c18).

[2] Nguyên tác: Tất định (必定).

[3] Nguyên tác: Chánh giác thú (正覺趣).

[4] Nguyên tác: Vô gián đẳng (無間等). Xem chú thích 60, kinh số 23, quyển 1, tr. 21; Tạp. 雜 (T.02. 0099.23. 0005a11).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.