Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 15

 

392. BIẾT NHƯ THẬT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Lộc Dã, trú xứ của Tiên nhân, thuộc nước Ba-la-nại.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu Sa-môn hay Bà-la-môn nào không biết như thật Thánh đế về khổ, không biết như thật Thánh đế về nguyên nhân của khổ, không biết như thật Thánh đế về khổ diệt, không biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt, nên biết Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không giải thoát khỏi khổ.

Nếu Sa-môn hay Bà-la-môn nào biết như thật Thánh đế về khổ, biết như thật đối với Thánh đế về nguyên nhân của khổ, biết như thật đối với Thánh đế về khổ diệt, biết như thật đối với Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt, nên biết Sa-môn hay Bà-la-môn ấy giải thoát khỏi khổ.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Như đối với khổ không giải thoát và giải thoát.

Cũng như thế, xả bỏ đường ác, không giải thoát và giải thoát; Có xả giới thoái giảm hay không xả giới thoái giảm.

Tự cho rằng mình đã tự chứng được pháp hơn người, không tự cho rằng mình chứng được pháp hơn người.

Có thể cầu ruộng phước tốt lành ngoài những điều này, không thể cầu ruộng phước tốt lành ngoài những điều này.

Có thể cầu bậc Đại sư ngoài những điều này, không thể cầu bậc Đại sư ngoài những điều này.

Không thể vượt qua khổ, cũng có thể vượt qua khổ.

Không thể kham nhẫn vượt thoát khổ, có thể kham nhẫn vượt thoát khổ.

Các kinh trên đều lặp lại như thế, kế tiếp bằng kệ tụng:

Nếu chẳng biết về khổ,
Nguyên nhân các khổ kia,
Và tất cả pháp khổ,
Đều diệt sạch hoàn toàn.
Cũng không biết con đường,[2]
Tư duy tất cả khổ,
Tâm giải thoát khỏi khổ,
Tuệ giải thoát cũng thế,
Thì không thể thoát khổ,
Khiến khổ hết hoàn toàn.
Nếu như thật biết khổ,
Biết nguyên nhân của khổ,
Và tất cả các khổ,
Diệt sạch hết, chẳng còn.
Nếu lại biết như thật,
Con đường dứt các khổ,
Tâm giải thoát[3] trọn vẹn,
Tuệ giải thoát cũng thế,
Có thể vượt các khổ,
Được giải thoát rốt ráo.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.392. 0105c15). Tham chiếu: S. 56.22 - V. 431. 74 Nguyên tác: Đạo tích (道跡).

[2] Nguyên tác: Đạo tích (道跡).

[4] Nguyên tác: Ý giải thoát (意解脫).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.