Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 15
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Lúc đức Phật Tỳ-bà-thi[2] chưa thành Chánh giác, một mình ở nơi vắng vẻ, tinh chuyên thiền định rồi nghĩ như vầy: “Hết thảy thế gian đều rơi vào sanh tử, tự sanh, tự già,[3] tự diệt và tự mất; nhưng đối với con đường cao thượng vượt khỏi thế gian thì những chúng sanh đang ở trong sanh tử kia chẳng biết như thật.”
Ngài liền tự quán sát: “Do duyên gì mà có già chết này?” Ngài quán sát, tư duy chân chánh như vậy rồi phát sanh sự giác ngộ như thật[4] và biết rằng: “Vì có sanh nên có già chết này, do duyên sanh nên có già chết.”
Ngài lại tư duy chân chánh: “Do duyên gì mà có sanh này?” Ngài lại tư duy chân chánh rồi phát sanh sự giác ngộ như thật và biết rằng: “Vì duyên hữu nên có sanh.”
Ngài lại tư duy chân chánh: “Do duyên gì mà có hữu?” Ngài liền tư duy chân chánh rồi phát sanh sự giác ngộ như thật và biết rằng: “Vì có thủ nên có hữu.”
Ngài lại tư duy chân chánh: “Do duyên gì mà có thủ?” Ngài liền tư duy chân chánh rồi phát sanh sự giác ngộ như thật nên quán sát: “Sự tơ tưởng,[5] đắm trước khoái lạc[6] là pháp chấp thủ, do duyên xúc nên ái tăng trưởng. Nên biết do duyên ái nên có thủ, duyên thủ nên có hữu, duyên hữu nên có sanh, duyên sanh nên có già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não; như vậy là toàn bộ khối khổ uẩn lớn tập khởi.
Ví như nhờ vào dầu và tim đèn mà đèn sáng, nếu người kia thường xuyên châm dầu và khơi tim thì đèn kia sáng mãi, được thắp sáng không ngừng.” Như kinh trước đã nói ví dụ đầy đủ về cái thành.[7]
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
Giống như đức Phật Tỳ-bà-thi, các đức Phật Thi-khí,[8] đức Phật Tỳ-xáphù,[9] đức Phật Câu-lưu-tôn,[10] đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni[11] và đức Phật Ca-diếp, Ngài đều giảng nói như thế.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.366. 0101a16). Tham chiếu: D. 14, Mahāpadāna Sutta (Kinh đại bổn); S. 12.4-9 - II. 5-9.
[2] Nguyên tác: Tỳ-bà-thi Phật (毘婆尸佛, Vipassī Buddha).
[3] Nguyên tác: Tự thục (自熟).
[4] Nguyên tác: Vô gián đẳng (無間等). Xem chú thích 60, kinh số 23, quyển 1, tr. 21; Tạp. 雜 (T.02. 0099.23. 0005a11).
[5] Nguyên tác: Cố niệm (顧念).
[6] Nguyên tác: Vị trước (味著). Vị (味, assāda) vừa có nghĩa là mùi vị vừa có nghĩa là khoái lạc.
[7] Ví dụ đầy đủ về thành lũy được nói trong kinh số 287; Tạp. 雜 (T.02. 0099.287. 0080b24).
[8] Nguyên tác: Thi-khí Phật (尸棄佛, Sikhī Buddha).
[9] Nguyên tác: Tỳ-thấp-bà-phù Phật (毘濕波浮佛, Vessabhū Buddha).
[10] Nguyên tác: Ca-la-ca-tôn-đề Phật (迦羅迦孫提佛, Kakusandha Buddha).
[11] Nguyên tác: Ca-na-ca-mâu-ni Phật (迦那迦牟尼佛, Koṇāgamana Buddha).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.