Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 15
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Lộc Dã, trú xứ của Tiên nhân, thuộc nước Ba-la-nại.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với năm vị Tỳ-kheo:
_ Đây là Thánh đế về khổ, là pháp vốn chưa từng nghe, khi tư duy chân chánh sẽ sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết.[2] Đây là Thánh đế về nguyên nhân của khổ, đây là Thánh đế về khổ diệt, đây là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt, là pháp vốn chưa từng nghe, khi tư duy chân chánh sẽ sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết.
Lại nữa, Thánh đế về khổ đã biết, lại cần phải biết, vốn là pháp chưa từng nghe nên khi tư duy chân chánh sẽ sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết.
Thánh đế về nguyên nhân của khổ đã biết thì nên đoạn trừ, vốn là pháp chưa từng nghe nên khi tư duy chân chánh sẽ sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết.
Lại nữa, đây là Thánh đế về khổ diệt đã biết thì nên chứng đắc, vốn là pháp chưa từng nghe nên khi tư duy chân chánh sẽ sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Đây là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt đã biết thì nên tu tập, vốn là pháp chưa từng nghe nên khi tư duy chân chánh sẽ sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Đây là Thánh đế về khổ đã biết, biết rồi thì vượt thoát, là pháp chưa từng nghe nên khi tư duy chân chánh sẽ sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết.
Lại nữa, đây là Thánh đế về nguyên nhân của khổ đã biết, đã đoạn trừ và vượt thoát, là pháp chưa từng nghe nên khi tư duy chân chánh sẽ sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết.
Lại nữa, Thánh đế về khổ diệt đã biết, đã chứng đắc và vượt thoát, là pháp chưa từng nghe nên khi tư duy chân chánh sẽ sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết.
Lại nữa, Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt đã biết, đã tu tập và vượt thoát, vốn là pháp chưa từng nghe nên khi tư duy chân chánh sẽ sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết.
Này các Tỳ-kheo! Đối với bốn Thánh đế này, Ta đã ba lần chuyển[3] với mười hai hành tướng, nếu không sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết thì đối với chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng nghe pháp, Ta không bao giờ được cho là đã giải thoát, đã ra khỏi, đã xa lìa, cũng không thể nào tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đối với bốn Thánh đế, Ta đã ba lần chuyển với mười hai hành tướng, sanh khởi mắt sáng, sanh khởi trí tuệ, sanh khởi sáng suốt, sanh khởi hiểu biết nên đối với chư Thiên, Ma, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng nghe pháp, Ta được ra khỏi, được giải thoát, tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lúc Thế Tôn nói pháp này, Tôn giả Kiêu-trần-như và tám vạn chư thiên xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh.
Bấy giờ, Phật bảo Tôn giả Kiêu-trần-như:
_ Thầy đã biết pháp chưa?
Kiêu-trần-như bạch Phật:
_ Bạch đức Thế Tôn, con đã biết!
Thế Tôn lại hỏi Tôn giả Kiêu-trần-như:
_ Thầy đã biết pháp chưa?
Câu-lân46 bạch Phật:
_ Bạch đấng Thiện Thệ, con đã biết!
Vì Tôn giả Câu-lân đã biết pháp cho nên được gọi là A-nhã Câu-lân.
Tôn giả A-nhã Câu-lân đã biết pháp, Địa thần cất tiếng tuyên bố:
_ Thưa các Nhân giả! Đức Thế Tôn ngụ ở vườn Lộc Dã, trú xứ của Tiên nhân, thuộc nước Ba-la-nại, đã ba lần chuyển với mười hai hành tướng mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương và Phạm thiên chưa từng chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc, vì thương xót thế gian nên Ngài muốn đem lại lợi ích, làm an ổn cho trời và người, chúng cõi trời tăng thêm, chúng a-tu-la giảm bớt.
Địa thần xướng lên như vậy rồi, vang vọng đến thiên thần giữa hư không, cõi trời Tứ Thiên Vương, cõi trời Ba Mươi Ba, cõi trời Diệm-ma, cõi trời Đâusuất-đà, cõi trời Hóa Lạc, cõi trời Tha Hóa Tự Tại đều lần lượt xướng lên, chỉ trong khoảnh khắc, vang vọng đến cõi Phạm thiên.
Cõi Phạm thiên nghe được âm thanh nên xướng lên như vầy:
_ Thưa các Nhân giả! Thế Tôn ngụ ở vườn Lộc Dã, trú xứ của Tiên nhân, thuộc nước Ba-la-nại, đã ba lần chuyển với mười hai hành tướng mà các Samôn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên và những người nghe pháp khắp thế gian chưa từng được chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc, vì muốn đem lại lợi ích cho chư thiên và loài người, chúng cõi trời tăng thêm, chúng a-tu-la giảm bớt.
Đức Thế Tôn chuyển pháp luân ở vườn Lộc Dã, trú xứ của Tiên nhân, thuộc nước Ba-la-nại, thế nên kinh này được gọi là Kinh chuyển pháp luân.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đức Phật dạy trong nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.379. 0103c13). Tham chiếu: Chuyển pháp luân kinh 轉法輪經 (T.02. 0109. 0503b02); Tam chuyển pháp luân kinh 三轉法輪經 (T.02. 0110. 0504a04); Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da phá Tăng sự 根本說一切有部毘奈耶破僧事 (T.24. 1450.6. 0127b24 - 0128b01); S. 56.11 - V. 420; S. 56.12 - V. 424.
[2] Nguyên tác: Sanh nhãn, trí, minh, giác (生眼, 智, 明, 覺). Tham chiếu: S. 56.12 - V. 424: Cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ udapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi (nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh), HT. Thích Minh Châu dịch.
[3] Nguyên tác: Tam chuyển (三轉) là thị chuyển (示轉), khuyến chuyển (勸轉) và chứng chuyển (證轉). 46 Câu-lân (拘鄰) gọi đủ là A-nhã Câu-lân (阿若拘鄰, Aññā Koṇḍañña), cũng gọi là A-nhã Kiêu-trần-như
(阿若憍陳如).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.