Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 14

351.  THẤY BIẾT VÀ CHỨNG ĐẮC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Na-la,53 Tôn giả Mậu-sư-la,[2] Tôn giả Thù Thắng[3] và Tôn giả A-nan đang ở bên bờ hồ Tượng Nhĩ,[4] thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Na-la nói với Tôn giả Mậu-sư-la:

_ Ngoài[5] lòng tin, ngoài ước muốn, ngoài lắng nghe, ngoài thẩm sát tư duy, ngoài trầm tư tiếp nhận sự thật[6] thì có thể tự mình phát sanh thấy biết chân chánh như vầy chăng: “Do có sanh nên có già chết, không thể lìa sanh mà có già chết”?

Tôn giả Mậu-sư-la đáp:

_ Ngoài lòng tin, ngoài ước nguyện, ngoài lắng nghe, ngoài tư duy, ngoài trầm tư tiếp nhận sự thật thì có thể tự mình phát sanh thấy biết chân chánh như vầy: “Do có sanh nên có già chết, không thể lìa sanh mà có già chết.” Quả thật, tự mình có thể thấy biết như vậy.

_ Thưa Tôn giả Mậu-sư-la! Ngoài lòng tin,... (cho đến) tiếp nhận sự thật thì tự mình có thể phát sanh thấy biết rằng: “Sự diệt tận của hữu, tịch diệt là Niếtbàn”[7] chăng?

Tôn giả Mậu-sư-la đáp:

_ Ngoài lòng tin,... (cho đến) tiếp nhận sự thật thì tự mình có thể phát sanh thấy biết rằng: “Sự diệt tận của hữu, tịch diệt là Niết-bàn.” Tôn giả Na-la lại hỏi Tôn giả Mậu-sư-la:

_ Sự diệt tận của hữu là tịch diệt, Niết-bàn. Nếu nói như vậy thì nay thầy là bậc A-la-hán đã sạch hết phiền não chăng?

Tôn giả Mậu-sư-la im lặng không đáp. Tôn giả Na-la hỏi như vậy đến lần thứ hai, lần thứ ba nhưng Tôn giả cũng im lặng không đáp.

Lúc ấy, Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Mậu-sư-la:

_ Hôm nay, Tôn giả im lặng thì tôi sẽ thay Tôn giả trả lời Tôn giả Na-la.

Tôn giả Mậu-sư-la nói:

_ Nay tôi giữ im lặng, Tôn giả hãy giải đáp giúp tôi!

Lúc ấy, Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Na-la:

_ Ngoài lòng tin,... (cho đến) tiếp nhận sự thật thì tự mình có thể giác ngộ và phát sanh thấy biết rằng: “Sự diệt tận của hữu là tịch diệt, Niết-bàn.” Bấy giờ, Tôn giả Na-la hỏi Tôn giả Thù Thắng:

_ Ngoài lòng tin,... (cho đến) tiếp nhận sự thật thì tự mình có thể giác ngộ và phát sanh thấy biết rằng: “Sự diệt tận của hữu là tịch diệt, Niết-bàn.” Vậy nay có phải Tôn giả là bậc A-la-hán đã dứt sạch hết thảy phiền não?

Tôn giả Thù Thắng đáp:

_ Tôi nói: “Sự diệt tận của hữu là tịch diệt, Niết-bàn”, nhưng tôi không phải là bậc A-la-hán dứt sạch hết phiền não.

Tôn giả Na-la nói:

_ Lời nói của Tôn giả không đồng nhất, trước sau trái ngược nhau! Như Tôn giả đã nói: “Sự diệt tận của hữu là tịch diệt, Niết-bàn”, nhưng lại nói không phải là bậc A-la-hán dứt sạch phiền não.

Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Na-la:

_ Tôi sẽ nói ví dụ, người trí nhờ ví dụ mà được hiểu.

Ví như có giếng nước nằm bên đường ở chốn hoang vu lại không có dây, cũng chẳng có gàu để lấy nước. Bấy giờ, có người đi đường bị cơn khát bức bách, liền đi quanh giếng tìm nhưng không có dây, cũng chẳng có gàu. Người ấy quán sát kỹ nước giếng, thấy biết như thật mà thân không tiếp xúc được. Cũng như thế, tôi nói: “Sự diệt tận của hữu là tịch diệt, Niết-bàn”, nhưng tự thân tôi thì chưa chứng đắc A-la-hán, chưa dứt sạch phiền não.

Khi ấy, Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Na-la:

_ Những điều Tôn giả Thù Thắng đã nói, Tôn giả Na-la nghĩ thế nào?

Tôn giả Na-la trả lời Tôn giả A-nan:

_ Tôn giả Thù Thắng đã khéo nói điều chân thật, tôi đâu còn gì để nói nữa.

Thế rồi, sau khi đàm đạo xong, các Tôn giả rời chỗ ngồi rồi ra về.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.351. 0098c01). Tham chiếu: S. 12.68 - II. 115. 53 Na-la (那羅, Nārada).

[2] Mậu-sư-la (茂師羅, Musīla).

[3] Thù Thắng (殊勝), P. Seṭṭha. Theo S. 12.68 - II. 115, đó là Tôn giả Saviṭṭha. Có thể bản Hán dịch nghĩa nhầm do âm tiết của 2 chữ gần giống nhau.

[4] Tượng Nhĩ (象耳), P. Cūlikā, nghĩa là lỗ tai của con voi. Trong khi đó, theo S. 12.68 - II. 115, đó là khu vườn Ghositā. Sự khác biệt đó có khả năng do âm tiết của 2 chữ gần giống nhau.

[5] Nguyên tác: Dị (異). Tham chiếu: S. 12.68 - II. 115: Aññatra. Tỳ-kheo Bodhi dịch là “ngoại trừ” (apart from). Xem thêm Tạp. 雜 (T.02. 0099.313. 0090b28-c02): Có những kinh pháp được các Tỳkheo ngưỡng vọng, tôn sùng; thế nhưng đối với kinh pháp thì ngoài lòng tin, ngoài ước muốn, ngoài lắng nghe, ngoài thẩm sát tư duy, ngoài trầm tư để tiếp nhận sự thật thì phải bằng sự hiểu biết chân chánh mà tuyên bố: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” (有經法, 諸比丘崇向, 而於經法異信, 異欲, 異聞, 異行思惟, 異見審諦忍, 正知而說: 我生已盡, 梵行已立, 所作已作, 知不受後有). Và phần tiếp theo: Ý các thầy nghĩ sao? Vị ấy đối với giáo pháp có niềm tin, có ước muốn, có sự lắng nghe, có thẩm sát tư duy, có trầm tư để tiếp nhận sự thật chăng? (彼於此為有信, 有欲, 有聞, 有行思惟, 有[見?]審諦忍不?).

[6] Nguyên tác: Dị tín, dị dục, dị văn, dị hành giác tưởng, dị kiến phiên đế nhẫn (異信, 異欲, 異聞, 異行覺想, 異見審諦忍). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.105. 0032a19) ghi: Dị kiến, dị nhẫn, dị cầu, dị dục (異見, 異忍, 異求, 異欲); Tạp. 雜 (T.02. 0099.313. 0090b29) ghi: Tín... dục... văn... hành tư duy... kiến phiên đế nhẫn (信... 欲... 聞... 行思惟... 見審諦忍). Hành trong hành giác tưởng (行覺想) chỉ cho hành tướng (行相, ākāra). Tham chiếu: S. 12.68 - II.115 ghi: Ākāraparivitakkā (ngoài thẩm lự hành tướng), HT. Thích Minh Châu dịch. Xem thêm Ni-kiền kinh 尼乾經 (T.01. 0026.19. 0443c12) ghi: Tín, nhạo, văn, niệm, kiến thiện quán (信, 樂, 聞, 念, 見善觀), nghĩa là lòng thành tín, sự ưa thích, nghe theo truyền thống, biết suy tư, thẩm sát để tiếp thọ.

[7] Nguyên tác: Hữu diệt, tịch diệt, Niết-bàn (有滅, 寂滅, 涅槃, bhavanirodho nibbānanti).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.