Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 14

348. MƯỜI LỰC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Như Lai thành tựu mười lực, được bốn vô úy, biết trú xứ của Phật trước kia mà chuyển bánh xe pháp,[2] ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử: “Do cái này có nên cái kia có, do cái này sanh nên cái kia sanh, nghĩa là do vô minh nên có hành,... (nói đầy đủ cho đến) toàn bộ khối khổ lớn tập khởi,... toàn bộ khối khổ lớn diệt tận.”

Này các Tỳ-kheo! Đây là sự hiển bày giáo pháp chân thật, nhằm chấm dứt dòng sanh tử,... (cho đến) khéo hiển bày cho bất cứ ai. Như vậy là sự hiển bày giáo pháp chân thật, nhằm chấm dứt dòng sanh tử, đủ để khiến cho người thiện nam có lòng tin chân chánh xuất gia, tinh tấn tu tập, sống không buông lung, ở trong Giáo pháp và Giới luật luôn siêng năng, thực hành khổ hạnh, dù chỉ còn da bọc xương, máu thịt khô kiệt, nếu chưa chứng đắc những điều cần phải chứng đắc thì vị ấy không từ bỏ sự cần mẫn, siêng năng tinh tấn, kiên cố kham nhẫn. Vì sao như vậy? Vì kẻ biếng nhác thì sống khổ đau, có thể sanh ra rất nhiều pháp ác, bất thiện, dẫn đến kiết sử tăng trưởng lớn mạnh nơi sanh, già, bệnh, chết ở đời tương lai, đánh mất lợi ích lớn. Còn người tinh tấn, thích sống một mình thì không sanh khởi các pháp ác, bất thiện; về sau, kiết sử và khổ báo lớn sẽ không tăng trưởng ở nơi sanh, già, bệnh, chết trong đời tương lai, có được lợi ích tròn đầy, chứng đạt kết quả bậc nhất trong giáo pháp.[3] Đó gọi là đối diện bậc Đại sư, được đích thân nghe pháp, được tịch diệt, Niết-bàn, hướng đến Bồ-đề, khéo đạt thành Chánh giác.

Do vậy, này Tỳ-kheo! Hãy thường nhớ nghĩ làm lợi lạc cho mình, lợi lạc cho người, lợi lạc cho mình và người, tinh tấn tu học; ta nay xuất gia thì không nên ngu si, không nên mê mờ, phải đạt kết quả, phải có lợi lạc, để những người cúng dường y phục, thực phẩm, tọa cụ, thuốc men có được quả báo lớn, phước lợi lớn, lợi ích lớn. Hãy nên học tập như thế!

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.348. 0098a13). Tham chiếu: S. 12.22 - II. 28.

[2] Nguyên tác: Chuyển Phạm luân (轉於梵輪). Phạm luân (梵輪, Brahmacakka): Bánh xe của Phạm, “Phạm luân” vốn là dụng ngữ của Bà-la-môn, được Phật giáo thừa tiếp sử dụng, về sau thuật ngữ này được hoàn chỉnh thành Chuyển Pháp luân (轉法輪).

[3] Nguyên tác: Đắc thành đệ nhất giáo pháp chi tràng (得成第一教法之場). Tràng (場) được dịch từ chữ udraya. Udraya vừa có nghĩa là cánh đồng vừa có nghĩa là kết quả. Nghĩa trong ngữ cảnh kinh văn là kết quả. Tham chiếu: S. 12.22 - II. 28: Evaṃ no ayaṃ amhākaṃ pabbajjā avañjhā bhavissati saphalā sa-udrayā (Có vậy, sự xuất gia này của chúng ta sẽ không phải trống không, có kết quả, có thành tích (sa-udrayā)), HT. Thích Minh Châu dịch.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.