Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 14

346. BA PHÁP[1][2]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Có ba pháp mà thế gian không đáng ưa, không đáng nhớ, không vừa ý. Những gì là ba? Đó là già, bệnh và chết.

Thế gian nếu như không có ba pháp không đáng ưa, không đáng nhớ, không vừa ý này thì Như Lai, Ứng Cúng,[3] Đẳng Chánh Giác đã không xuất hiện ở thế gian; thế gian cũng không biết có Giáo pháp và Giới luật được thấy biết rồi thuyết giảng bởi đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Vì thế gian có già, có bệnh và có chết là ba pháp không đáng ưa, không đáng nhớ, không vừa ý này, cho nên đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác mới xuất hiện ở thế gian; thế gian mới biết có Giáo pháp và Giới luật được thuyết giảng bởi đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết.

Do chưa đoạn trừ ba pháp nên không thể nào thoát khỏi già, bệnh, chết. Là ba pháp nào? Đó là tham, sân[4] và si.

Lại nữa, do chưa đoạn trừ ba pháp nên không thể nào xa lìa tham, sân và si. Là ba pháp nào? Đó là thân kiến, giới cấm thủ[5] và nghi.

Lại nữa, do chưa đoạn trừ ba pháp nên không thể nào xa lìa thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Là ba pháp nào? Đó là tư duy không chân chánh,[6] thân cận tà đạo và tâm biếng nhác.

Lại nữa, do chưa đoạn trừ ba pháp nên không thể nào xa lìa được tư duy không chân chánh, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác. Là ba pháp nào? Đó là không chánh niệm,[7] thấy biết không chân chánh và tâm tán loạn.

Lại nữa, do chưa đoạn trừ ba pháp nên không thể xa lìa không chánh niệm, thấy biết không chân chánh và tâm tán loạn. Là ba pháp nào? Đó là trạo cử, không phòng hộ37 và không giữ giới.

Lại nữa, do chưa đoạn trừ ba pháp nên không thể xa lìa trạo cử, không phòng hộ và không giữ giới. Là ba pháp nào? Đó là không có lòng tin, khó giáo hóa và biếng nhác.

Lại nữa, do chưa đoạn trừ ba pháp nên không thể xa lìa không có lòng tin, khó giáo hóa và biếng nhác. Là ba pháp nào? Đó là không muốn gặp bậc Thánh, chẳng muốn nghe pháp và luôn tìm khuyết điểm của người.

Lại nữa, do chưa đoạn trừ ba pháp nên không thể xa lìa được sự không muốn gặp bậc Thánh, chẳng muốn nghe pháp và luôn tìm khuyết điểm của người. Là ba pháp nào? Đó là không cung kính, nói lời ác và gần gũi bạn xấu.

Lại nữa, do chưa đoạn trừ ba pháp nên không thể xa lìa được sự không cung kính, nói lời ác, gần gũi bạn xấu. Là ba pháp nào? Đó là không tàm,[8] không quý,[9] buông lung. Do chưa đoạn trừ ba pháp này nên không thể xa lìa được sự không cung kính, nói lời ác, gần gũi bạn xấu. Vì sao như vậy? Vì không tàm, không quý nên buông lung; vì buông lung nên không cung kính; vì không cung kính nên gần gũi bạn xấu; vì gần gũi bạn xấu nên không muốn gặp bậc Thánh, không muốn nghe pháp, luôn tìm khuyết điểm của người; vì luôn tìm khuyết điểm của người nên không có lòng tin, khó giáo hóa, nói lời ác, biếng nhác; vì biếng nhác nên trạo cử, không phòng hộ, không giữ giới; vì không giữ giới nên không chánh niệm, thấy biết không chân chánh, tâm tán loạn; vì tâm tán loạn nên tư duy không chân chánh, gần gũi đường tà, tâm biếng nhác; vì tâm biếng nhác nên có thân kiến, giới cấm thủ và nghi; vì nghi nên không thể đoạn trừ tham, sân, si; vì chưa đoạn trừ tham, sân, si nên không thể xa lìa được già, bệnh, chết.

Nếu đoạn trừ được ba pháp này mới có thể xa lìa già, bệnh, chết. Là ba pháp nào? Đó là tham, sân và si. Đoạn trừ ba pháp này rồi mới có thể xa lìa già, bệnh và chết.

Lại nữa, do đoạn trừ ba pháp mới có thể xa lìa được tham, sân và si. Là ba pháp nào? Đó là thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Vì đoạn trừ được ba pháp này mới có thể xa lìa tham, sân và si.

Lại nữa, do đoạn trừ ba pháp mới có thể xa lìa thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Là ba pháp nào? Đó là tư duy không chân chánh, gần gũi đường tà và khởi tâm biếng nhác. Do đoạn trừ ba pháp này nên xa lìa thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Lại nữa, do đoạn trừ ba pháp nên có thể xa lìa tư duy không chân chánh, gần gũi đường tà và tâm biếng nhác. Là ba pháp nào? Đó là không chánh niệm, thấy biết không chân chánh và tâm tán loạn. Do đoạn trừ ba pháp này nên có thể xa lìa tư duy không chân chánh, gần gũi đường tà và tâm biếng nhác.

Lại nữa, do đoạn trừ được ba pháp nên có thể xa lìa không chánh niệm, thấy biết không chân chánh và tâm tán loạn. Là ba pháp nào? Đó là trạo cử, không phòng hộ và phạm giới. Do đoạn trừ ba pháp này nên có thể xa lìa thất niệm, thấy biết không chân chánh và tâm tán loạn.

Lại nữa, do đoạn trừ ba pháp nên có thể xa lìa trạo cử, không phòng hộ và phạm giới. Là ba pháp nào? Đó là không có lòng tin, khó giáo hóa và biếng nhác. Do đoạn trừ ba pháp này nên có thể xa lìa trạo cử, không phòng hộ và phạm giới.

Lại nữa, do đoạn trừ ba pháp nên có thể xa lìa không có lòng tin, khó giáo hóa và biếng nhác. Là ba pháp nào? Đó là không muốn gặp bậc Thánh, không thích nghe pháp và hay tìm khuyết điểm của người. Do đoạn trừ ba pháp này nên có thể xa lìa không có lòng tin, khó giáo hóa và biếng nhác.

Lại nữa, do đoạn trừ ba pháp nên có thể xa lìa không muốn gặp bậc Thánh, không thích nghe pháp và hay tìm khuyết điểm của người. Là ba pháp nào? Đó là không cung kính, nói lời ác và gần gũi bạn xấu. Do đoạn trừ ba pháp này nên xa lìa không muốn gặp bậc Thánh, không thích nghe pháp và hay tìm khuyết điểm của người.

Lại nữa, do đoạn trừ ba pháp nên có thể xa lìa không cung kính, nói lời ác, gần gũi bạn xấu. Là ba pháp nào? Đó là không tàm, không quý, buông lung. Vì sao như vậy? Vì do biết tàm, biết quý nên không buông lung; vì không buông lung nên cung kính, nói năng hòa nhã, là vị thiện tri thức; vì là thiện tri thức nên muốn gặp bậc Hiền thánh, ưa thích nghe Chánh pháp, chẳng tìm khuyết điểm của người; vì chẳng ưa tìm khuyết điểm của người nên sanh lòng tin, nói năng hòa nhã và tinh tấn; vì tinh tấn nên không trạo cử, luôn phòng hộ, giữ giới; nhờ giữ giới nên chẳng mất chánh niệm, thấy biết chân chánh, giữ tâm không tán loạn; nhờ tâm không tán loạn nên tư duy chân chánh, gần gũi đường chánh, tâm không biếng nhác; nhờ tâm không biếng nhác nên không chấp trước vào thân kiến, không chấp trước vào giới cấm thủ, thoát khỏi nghi hoặc; nhờ không nghi hoặc nên chẳng khởi lên tham, sân, si; nhờ xa lìa tham, sân, si nên có thể đoạn trừ già, bệnh, chết.

Đức Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.346. 0095c17). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02.

[2] .760. 0199c27); A. 10.76 - V. 144.

[3] Nguyên tác: Ứng (應).

[4] Nguyên tác: Khuể (恚).

[5] Nguyên tác: Giới thủ (戒取).

[6] Nguyên tác: Bất chánh tư duy (不正思惟).

[7] Nguyên tác: Thất niệm (失念). Chúng tập kinh 眾集經 (T.01. 0001.9. 0052a22) ghi là “đa vong” (多忘); Độ kinh 度經 (T.01. 0026.13. 0435b13) ghi là “thất chánh niệm” (失正念); Cù-ni-sư kinh 瞿尼師經 (T.01. 0026.26. 0455b22) ghi là “vô chánh niệm” (無正念). 37 Nguyên tác: Bất luật nghi (不律儀).

[8] Nguyên tác: Vô tàm (無慚): Không tự xấu hổ với mình.

[9] Nguyên tác: Vô quý (無愧): Không biết hổ thẹn với người.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.