Viện Nghiên Cứu Phật Học
QUYỂN 14

345.  THỂ NHẬP PHÁP GIỚI[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Như điều Ta đã giảng trong “phẩm Ba-la-diên-da”, đoạn các câu hỏi của

A-dật-đa:[2]

Như muốn rõ giáo pháp,[3]          
Nếu là hàng Hữu học,
Oai nghi, hạnh thế nào,               
Xin hãy giảng cho con?[4]

Này Xá-lợi-phất! Thế nào gọi là Hữu học? Thế nào gọi là giáo pháp?

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng không trả lời. Đức Phật hỏi lần thứ hai, lần thứ ba, Tôn giả cũng im lặng.

Đức Phật dạy:

_ Xá-lợi-phất! Đây là một thực thể.[5]Xá-lợi-phất bạch Phật:

_ Là một thực thể, bạch Thế Tôn! Bạch đức Thế Tôn! Đối với thực thể này, Tỳ-kheo nên nhàm chán, xả ly tham dục, hướng đến diệt tận. Thực thể đó được sanh ra do sự tập khởi của thức ăn. Vì thế, Tỳ-kheo ấy khi thọ dụng thức ăn phải biết sanh tâm nhàm chán, xả ly tham dục, hướng đến diệt tận.[6] Thức ăn kia diệt tận thì thực thể này diệt tận. Biết rõ như vậy rồi nên Tỳ-kheo ấy nhàm chán, xả ly tham dục, hướng đến diệt tận. Đó gọi là học.

_ Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Đây là một thực thể.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

_ Là một thực thể, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn! Nếu Tỳ-kheo đối với thực thể này mà nhàm chán, xả ly tham dục, được diệt tận, chẳng khởi các phiền não[7] thì tâm được giải thoát hoàn toàn.[8] Thực thể ấy được sanh ra do sự tập khởi của thức ăn, khi biết rõ điều này rồi thì thực thể đó liền bị diệt tận. Tỳ-kheo đối với sự diệt tận của thực thể liền sanh nhàm chán, xả ly tham dục, được diệt tận, chẳng khởi các phiền não, tâm được giải thoát hoàn toàn. Đó gọi là giáo pháp.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

_ Đúng thế! Đúng thế! Như lời của thầy nói, Tỳ-kheo đối với thực thể liền sanh nhàm chán, xả ly tham dục, được diệt tận. Đây gọi là giáo pháp.

Sau khi giảng như vậy xong, Thế Tôn liền rời chỗ ngồi, trở vào thất tọa thiền.

Bấy giờ, biết Thế Tôn đã rời đi, ngay sau đó, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

_ Các Tôn giả! Vì tôi không thể biện giải những câu hỏi đầu tiên của Thế Tôn cho nên tôi giữ im lặng. Giây lát sau, Thế Tôn đã hoan hỷ hỏi lại nên tôi mới hiểu được nghĩa lý như thế.

Giả sử Thế Tôn hỏi về nghĩa này bằng văn cú khác, bằng từ ngữ khác từ[9] một ngày một đêm cho đến suốt bảy ngày đêm thì tôi cũng có thể dùng những văn cú khác, từ ngữ khác để giải thích bằng khoảng thời gian như thế.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài, đứng qua một bên rồi thưa:

_ Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Xá-lợi-phất đã nói những điều đặc biệt chưa từng có, ở trong đại chúng đã rống lên tiếng rống như sư tử: “Tôi không thể biện giải câu hỏi đầu tiên của Thế Tôn cho nên tôi giữ im lặng, mãi cho đến ba lần. Giây lát sau, Thế Tôn đã hoan hỷ hỏi lại nên tôi mới hiểu được nghĩa lý như thế. Giả sử Thế Tôn hỏi về nghĩa này bằng văn cú khác, bằng từ ngữ khác từ một ngày một đêm cho đến suốt bảy ngày đêm thì tôi cũng có thể dùng những văn cú khác, từ ngữ khác để giải thích bằng khoảng thời gian như thế.” Thế Tôn bảo Tỳ-kheo:

_ Nếu Ta hỏi về nghĩa ấy bằng văn cú khác, bằng từ ngữ khác từ một ngày một đêm cho đến suốt bảy ngày đêm, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất cũng có thể giải thích bằng văn cú, từ ngữ khác bằng khoảng thời gian như thế. Vì sao như vậy?

Vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã khéo thể nhập pháp giới.[10]

Đức Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo kia nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.345. 0095b10). Tham chiếu: S. 12.31 - II. 47; S. 12.32 - II. 50.

[2] Nguyên tác: Ba-la-diên-da A-dật-đa sở vấn (波羅延耶阿逸多所問). Đây vốn là một đoạn trong phẩm thứ năm của Sn. 198, kệ 1044, gọi là Những câu hỏi đường đến bờ kia của Ajita (pārāyane ajitapañhe).

[3] Nguyên tác: Pháp số (法數, saṅkhātadhamma). Bản Ấn Thuận (印順) sửa lại là “pháp giáo” (法教). Bản dịch Việt dựa theo cơ sở này.

[4] Tham chiếu: Sn. 198, kệ 1044: Những ai biết tư sát / Các pháp thuộc hữu vi / Cùng với bậc Hữu học / Và phàm phu ở đời? / Ðược hỏi, Ngài hãy nói / Về nếp sống của họ / Bậc Thận Trọng Sáng Suốt / Hãy nói lên, thưa Ngài! Xem thêm S. 12.31 - II. 47: Thuần thục pháp hữu vi / Ở đây nhiều Hữu học / Trí tuệ những vị ấy / Trong uy nghi của họ / Hãy đáp lời ta hỏi / Nói lên, này Thân hữu! (HT. Thích Minh Châu dịch).

[5] Nguyên tác: Chân thật (真實). Được hiểu là một thực thể, một sự hiện hữu, sự sanh thành. Trà-đế kinh 𠻬帝經 (T.01. 0026.201. 0767b12) ghi là chân thuyết (真說, bhava). S. 12.31 ghi là được sanh thành (bhūta), là quá khứ phân từ của bhavati, nghĩa là hiện hữu, là sự có mặt.

[6] Nguyên tác: 食集生, 彼比丘以食故, 生厭, 離欲, 滅盡向. Có lẽ chấm câu nhầm, phải là: 食集生彼, 比丘以食故... Tham chiếu: S. 12.31 - II. 47: Vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, sự tục sanh do một loại đồ ăn, đối với sự tục sanh do một loại đồ ăn, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt, vị ấy được giải thoát, không chấp thủ (HT. Thích Minh Châu dịch).

[7] Nguyên tác: Chư lậu (諸漏).

[8] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).

[9] Nguyên tác: Dị cú, dị vị (異句, 異味). Vị (味, vyañjana) vừa có nghĩa là vị của món ăn vừa có nghĩa là mẫu tự.

[10] Nguyên tác: Pháp giới (法界, dhammadhātu). Tham chiếu: S. 12.32 - II. 50: “Này các Tỷ-kheo, pháp giới ấy (dhammadhātu) được Sāriputta khéo thành đạt” (HT. Thích Minh Châu dịch).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.