Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 14
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đang ở trong núi Kỳ-xà quật.
Lúc ấy, vào buổi chiều, sau khi xả thiền, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi ân cần. Sau khi thăm hỏi nhau xong, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la ngồi qua một bên rồi thưa với Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Tôi có điều muốn hỏi, không biết Tôn giả có thời gian để giải đáp cho chăng?
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la:
_ Tôn giả cứ hỏi, như biết được điều gì thì tôi sẽ trả lời.
Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Đối với giáo pháp này, vị Thánh đệ tử đa văn thành tựu pháp gì thì được gọi là thấy biết trọn vẹn, thành tựu chánh kiến,[2] thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển[3] đối với Phật, thể nhập Chánh pháp, chứng đắc Chánh pháp và giác ngộ Chánh pháp này?
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la:
_ Vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về pháp bất thiện, biết như thật về gốc rễ của bất thiện, biết như thật về thiện pháp, biết như thật về gốc rễ của thiện.
Thế nào là biết như thật về pháp bất thiện? Nghiệp bất thiện của thân, nghiệp bất thiện của miệng và nghiệp bất thiện của ý; đó gọi là pháp bất thiện. Như thế gọi là biết như thật về pháp bất thiện.
Thế nào là biết như thật về gốc rễ của bất thiện? Có ba gốc rễ bất thiện, đó là tham, sân và si; đó gọi là gốc rễ của bất thiện. Như thế gọi là biết như thật về gốc rễ của bất thiện.
Thế nào là biết như thật về thiện pháp? Nghiệp thiện của thân, nghiệp thiện của miệng và nghiệp thiện của ý; đó gọi là thiện pháp. Như thế gọi là biết như thật thiện pháp.
Thế nào là biết như thật về gốc rễ của thiện? Có ba gốc rễ của thiện, đó là không tham, không sân và không si; đó gọi là ba gốc rễ của thiện. Như thế gọi là biết như thật về gốc rễ của thiện.
Này Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la! Bậc Thánh đệ tử đa văn biết như thật về pháp bất thiện, biết như thật về gốc rễ của bất thiện, biết như thật về thiện pháp, biết như thật gốc rễ của thiện như thế. Cho nên đối với giáo pháp này, vị ấy có đầy đủ chánh kiến, thành tựu chánh kiến, thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Phật, thể nhập Chánh pháp, chứng đắc Chánh pháp và giác ngộ Chánh pháp này.
Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Ngoài những pháp cơ bản đó, vậy còn có những pháp nào khác nữa không?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
_ Vẫn còn. Đó là, vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức ăn, biết như thật về sự diệt tận của thức ăn và biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận[4] của thức ăn.
Thế nào là biết như thật về thức ăn? Đó là, có bốn loại thức ăn. Những gì là bốn? Một là đoàn thực,[5] hai là xúc thực,[6] ba là niệm thực[7] và bốn là thức thực.[8] Đó gọi là thức ăn. Như vậy là biết như thật về thức ăn.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức ăn? Nghĩa là, khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham, rồi đắm trước nơi này, nơi kia. Đó gọi là sự tập khởi của thức ăn. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thức ăn.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức ăn? Khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham, rồi đắm trước nơi này, nơi kia, chúng đều được đoạn trừ không sót lại gì, đã buông xả, đã nhổ bỏ, đã dứt sạch, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh, ngưng nghỉ.[9] Đó gọi là sự diệt tận của thức ăn. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của thức ăn.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn? Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy,[10] chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn,[11] chánh niệm và chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn.
Nếu vị Thánh đệ tử đa văn nào biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức ăn, biết như thật về sự diệt tận của thức ăn và biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn thì nhờ vậy mà vị Thánh đệ tử đa văn ấy đối với Giáo pháp và Giới luật có đầy đủ chánh kiến, thành tựu chánh kiến, thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Phật, thể nhập Chánh pháp, chứng đắc Chánh pháp và giác ngộ Chánh pháp này.
Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Ngoài những pháp cơ bản đó, vậy còn có những pháp nào khác nữa không?
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la:
_ Lại còn có những pháp khác, đó là vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về lậu,19 biết như thật về sự tập khởi của lậu, biết như thật về sự diệt tận của lậu và biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu.
Thế nào là biết như thật về lậu? Nghĩa là có ba thứ lậu: Dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Đó gọi là lậu. Như vậy là biết như thật về lậu.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của lậu? Vô minh tập khởi thì lậu tập khởi. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của lậu.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của lậu? Vô minh diệt thì lậu diệt. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của lậu.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu? Nghĩa là biết Thánh đạo tám chi, (đã nói như trên). Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu.
Nếu vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về lậu, biết như thật về sự tập khởi của lậu, biết như thật về sự diệt tận của lậu và biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu thì vị Thánh đệ tử đa văn ấy đối với giáo pháp này có đầy đủ chánh kiến,... (cho đến) giác ngộ Chánh pháp này. Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Ngoài những pháp cơ bản đó, vậy còn có những pháp nào khác nữa không?
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la:
_ Cũng còn có những pháp khác nữa. Vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về khổ, biết như thật về nguyên nhân của khổ, biết như thật về khổ diệt và biết như thật về con đường đưa đến khổ diệt.
[0095a01] Thế nào là biết như thật về khổ? Nghĩa là, sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, yêu thương xa lìa là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, mong cầu không được là khổ. Như vậy, nói tóm lại năm thủ uẩn[12] là khổ, đó gọi là khổ. Như vậy là biết như thật về khổ.
Thế nào là biết như thật về nguyên nhân của khổ? Chính là khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham, rồi đắm trước nơi này, nơi kia, đó gọi là nguyên nhân của khổ. Như vậy là biết như thật về nguyên nhân của khổ.
Thế nào là biết như thật về khổ diệt? Nếu như khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham, rồi đắm trước nơi này, nơi kia đều được đoạn trừ không sót lại gì,... (cho đến) tịch tĩnh và ngưng nghỉ, đó gọi là khổ diệt. Như vậy là biết như thật về khổ diệt.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến khổ diệt? Nghĩa là Thánh đạo tám chi như trên đã nói, đó gọi là con đường đưa đến khổ diệt. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến khổ diệt.
Vị Thánh đệ tử đa văn nào biết như thật về khổ, biết như thật về nguyên nhân của khổ, biết như thật về khổ diệt và biết như thật về con đường đưa đến khổ diệt thì vị Thánh đệ tử ấy đối với giáo pháp này có đầy đủ chánh kiến, thành tựu chánh kiến, thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Phật, thể nhập Chánh pháp, chứng đắc Chánh pháp và giác ngộ Chánh pháp này.
Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Ngoài những pháp cơ bản đó, vậy còn có những pháp nào khác nữa không?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
_ Còn có những pháp khác. Đó là, vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về già chết, biết như thật về nguyên nhân của già chết, biết như thật về sự diệt tận của già chết và biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết (như kinh trước đã nói rõ).
Thế nào là biết như thật về nguyên nhân của già chết? Sanh tập khởi thì già chết tập khởi, sanh diệt tận thì già chết diệt tận. Con đường đưa đến sự diệt tận của già chết là Thánh đạo tám chi (như trước đã nói).
Vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật đối với già chết như vậy,... (cho đến) biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như thế, bậc Thánh đệ tử đối với giáo pháp của Phật có đầy đủ chánh kiến, thành tựu chánh kiến, thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Phật, thể nhập Chánh pháp, chứng đắc Chánh pháp và giác ngộ Chánh pháp này.
Cũng như nói về sanh, nói về hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức và hành cũng như thế.
Vị Thánh đệ tử biết như thật đối với hành, sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành và con đường đưa đến sự diệt tận của hành.
Thế nào là biết như thật đối với hành? Hành có ba thứ, là thân hành, khẩu hành và ý hành. Như vậy là biết như thật về hành.
Thế nào là biết như thật đối với sự tập khởi của hành? Vô minh tập khởi thì hành tập khởi. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của hành.
Thế nào là biết như thật đối với sự diệt tận của hành? Vô minh diệt thì hành diệt. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của hành. Thế nào là biết như thật đối với con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Đó là Thánh đạo tám chi, như trước đã nói.
Này Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la! Đây gọi là vị Thánh đệ tử biết như thật về hành, biết như thật về sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành và con đường đưa đến sự diệt tận của hành, nên đối với giáo pháp của Phật có đầy đủ chánh kiến, thành tựu chánh kiến, thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Phật, thể nhập Chánh pháp, chứng đắc Chánh pháp và giác ngộ Chánh pháp này.
Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Ngoài những pháp cơ bản đó, vậy còn có những pháp nào khác nữa không?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
_ Này Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la! Thầy truy tìm điều gì? Chung cuộc thầy không thể nào đến được chỗ tột cùng của các luận thuyết, thấu đạt tận cùng giới hạn của chúng. Nếu vị Thánh đệ tử đa văn đã đoạn trừ vô minh và minh phát sanh thì đâu cần phải tìm cầu gì nữa?
Bấy giờ, sau khi cùng đàm luận xong, hai vị Tôn giả đều trở về trú xứ của mình.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.344. 0094b02). Tham chiếu: Đại Câu-hy-la kinh 大拘絺羅經 (T.01. 0026.29. 0461b22); M. 9, Sammādiṭṭhi Sutta (Kinh chánh tri kiến); A. 9.13 - IV. 382.
[2] Nguyên tác: Trực kiến (直見), cách nói khác của “chánh kiến.”
[3] Nguyên tác: Bất hoại tịnh (不壞淨). Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.02. 0013b05) ghi là “bất hoại tín” (不壞信); Chúng tập kinh 眾集經 (T.01. 0001.9. 0051a10) ghi là “vô hoại tín” (無壞信); Đại Câuhy-la kinh 大拘絺羅經 (T.01. 0026.29. 0461c02) ghi là “bất hoại tịnh” (不壞淨): Niềm tin thanh tịnh, không lay chuyển, không thay đổi, không hư hoại.
[4] Nguyên tác: Diệt đạo tích (滅道跡).
[5] Nguyên tác: Thô đoàn thực (麁摶食). Tán-đà-na kinh 散陀那經 (T.01. 0001.8. 0050c01) ghi là “đoàn thực” (摶食); Đại Câu-hy-la kinh 大拘絺羅經 (T.01. 0026.29. 0461c26) ghi là “đoàn thực thô, tế” (摶食麤, 細); Tập-dị-môn-túc luận 集異門足論 (T.26. 1536.8. 0400b06) ghi là “đoạn thực thô tế” (段食麁細): Thức ăn được vo thành từng miếng để đưa vào miệng, hay nói chung là thức ăn đưa vào miệng để ăn.
[6] Nguyên tác: Tế xúc thực (細觸食). Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30.8. 0133b18) ghi là “tế cốt thực” (細滑食); Đại Câu-hy-la kinh 大拘絺羅經 (T.01. 0026.29. 0461c26) ghi là “cánh lạc thực” (更樂食): Sự tiếp xúc của 6 căn với 6 trần cũng là một cách ăn, ăn bằng sự tiếp xúc.
[7] Nguyên tác: Ý tư thực (意思食). Chúng tập kinh 眾集經 (T.01. 0001.9. 0050c02) ghi là “niệm thực” (念食); Đại Câu-hy-la kinh 大拘絺羅經 (T.01. 0026.29. 0461c27) ghi là “ý tư thực” (意思食), “ý niệm thực” (意念食): Thức ăn là những hoài bão, những ước mơ...
[8] Nguyên tác: Thức thực (識食): Thức ăn là những nhận thức, là thức; duy trì sự sống bằng thức.
[9] Nguyên tác: Tận, ly dục, diệt, tức, một (盡, 離欲, 滅, 息, 沒). Tham chiếu: Phân biệt lục giới kinh 分別六界經 (T.01. 0026.162. 0692a18) ghi là tận, vô dục, diệt, tức, chỉ (盡, 無欲, 滅, 息, 止).
[10] Nguyên tác: Chánh chí (正志).
[11] Nguyên tác: Chánh phương tiện (正方便). 19 Nguyên tác: Bệnh (病).
[12] Nguyên tác: Ngũ thọ ấm (五受陰).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.