Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 14

343. KHỔ VUI DO DUYÊN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả Tỳ-kheo Phù-di đang sống trong núi Kỳ-xà quật.

Lúc ấy, có nhiều tu sĩ ngoại đạo đi đến chỗ Tôn giả Phù-di, cùng nhau chào hỏi ân cần. Sau khi chào hỏi xong, họ ngồi sang một bên và thưa Tôn giả Phù-di:

_ Chúng tôi có điều muốn hỏi, không biết Tôn giả có thời gian để giải đáp cho chăng?

Tôn giả Phù-di nói với các tu sĩ ngoại đạo:

_ Ông hãy tùy ý hỏi, tôi sẽ giải đáp!

Các tu sĩ ngoại đạo hỏi Tôn giả Phù-di:

_ Có phải khổ, vui là do tự mình tạo ra chăng?

Tôn giả Phù-di đáp:

_ Những người xuất gia ngoại đạo cho rằng khổ, vui là do tự mình tạo, nhưng Thế Tôn dạy rằng: “Điều này không thể khẳng định.”[2]Các tu sĩ ngoại đạo lại hỏi:

_ Có phải khổ, vui là do người khác tạo ra chăng?

Tôn giả đáp:

_ Nói khổ, vui là do người khác tạo, nhưng Thế Tôn dạy: “Điều này không thể khẳng định.” Lại hỏi:

_ Có phải khổ, vui là do tự mình và người khác tạo ra chăng?

Tôn giả đáp:

_ Khổ, vui là do tự mình và người khác tạo ra, nhưng Thế Tôn dạy: “Điều này không thể khẳng định.”

Lại hỏi:

_ Có phải khổ, vui không phải do tự mình và người khác tạo ra, không có nguyên nhân tạo ra chăng?

Tôn giả đáp:

_ Khổ, vui chẳng phải do tự mình và người khác tạo ra, không có nguyên nhân tạo ra. Thế Tôn đã dạy: “Điều này không thể khẳng định.” Các tu sĩ ngoại đạo lại hỏi:

_ Thế nào, thưa Tôn giả Phù-di? Khi hỏi rằng “có phải khổ, vui là do tự mình tạo ra?” thì thầy đáp là không thể khẳng định. Khi hỏi rằng “có phải khổ, vui là do người khác tạo ra?” thì thầy đáp là “không thể khẳng định.” Khi hỏi rằng “có phải khổ, vui là do tự mình và người khác tạo ra” thì thầy đáp là “không thể khẳng định.” Khi hỏi rằng “có phải khổ, vui chẳng phải do tự mình và người khác tạo ra, không có nguyên nhân tạo ra?” thì thầy cũng đáp là “không thể khẳng định.” Vậy thì hiện nay, Sa-môn Cù-đàm cho rằng khổ, vui được sanh khởi như thế nào?

Tôn giả Phù-di đáp:

_ Này các tu sĩ ngoại đạo! Thế Tôn nói khổ, vui là từ duyên khởi mà sanh.

Khi nghe Tôn giả Phù-di nói như thế, các tu sĩ ngoại đạo không hài lòng, chê trách rồi bỏ đi.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi bên một gốc cây, cách Tôn giả Phùdi không xa.

Thế rồi, khi biết các tu sĩ ngoại đạo đã bỏ đi, Tôn giả Phù-di đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất. Đến nơi, Tôn giả chào hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất ân cần. Chào hỏi xong, Tôn giả Phù-di đem những câu hỏi của các tu sĩ ngoại đạo thuật lại đầy đủ với Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Tôi đã trả lời như thế, không biết có hủy báng Thế Tôn chăng? Có nói đúng như lời Phật dạy chăng?[3] Có nói đúng như pháp chăng? Có đúng với pháp và thứ lớp của giáo pháp chăng?[4] Không bị những người khác nhân nơi luận giải về pháp rồi đến chất vấn, quở trách chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

_ Này Tôn giả Phù-di! Những điều Tôn giả đã nói thật đúng như lời Phật dạy, không hủy báng Như Lai, nói như lời Phật dạy, nói như pháp, nói đúng với pháp và thuận theo pháp, không bị những người khác nhân nơi luận giải về pháp rồi đến chất vấn, quở trách. Vì sao như thế? Vì Thế Tôn dạy khổ, vui đều từ duyên khởi sanh.

Tôn giả Phù-di! Những điều mà các Sa-môn, Bà-la-môn kia hỏi về khổ, vui là do tự mình tạo ra, điều này cũng từ nhân duyên mà sanh khởi. Nếu cho rằng chúng không được sanh ra từ duyên khởi thì điều này không thể có. Khổ, vui là do người khác tạo; do tự mình và người khác tạo ra; không phải do mình và người khác tạo ra, không có nguyên nhân tạo ra, chúng đều từ duyên khởi sanh. Nếu cho rằng chúng không sanh ra từ duyên khởi, điều này không thể có.

Này Tôn giả Phù-di! Những điều mà các Sa-môn, Bà-la-môn kia nói về khổ, vui do tự mình tạo, cũng là do duyên xúc mà sanh khởi. Nếu cho rằng không do xúc mà sanh khởi thì điều này không thể có. Khổ, vui do người khác tạo ra; do mình và người khác cùng tạo ra; khổ, vui không phải do mình, không phải do người khác tạo, không có nguyên nhân tạo ra, chúng cũng đều do duyên nơi xúc mà sanh khởi. Nếu cho rằng chúng không phải do duyên nơi xúc mà sanh khởi, điều này không thể có.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan ngồi bên một gốc cây, cách Tôn giả Xá-lợi-phất không xa và đang nghe Tôn giả Xá-lợi-phất cùng đàm luận với Tôn giả Phù-di những điều như thế. Nghe như vậy xong, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài, rồi đứng sang một bên và đem những lời đàm luận của hai vị Tôn giả bạch lại đầy đủ với Thế Tôn.

Phật dạy Tôn giả A-nan:

– Lành thay! Lành thay! Này A-nan! Khi có người đến hỏi, Tôn giả Xá-lợiphất đã giải đáp đúng lúc. Lành thay! Xá-lợi-phất có trí tuệ ứng đối đúng thời nên khi có người đến hỏi, liền giải đáp đúng lúc. Nếu đệ tử[5] của Ta gặp người đến hỏi thì cũng nên khéo giải đáp đúng lúc, như những gì Xá-lợi-phất đã nói.

Này A-nan! Thuở xưa, khi Ta ở trong núi, nơi trú xứ của Tiên nhân thuộc thành Vương Xá[6] thì có những tu sĩ ngoại đạo đã đến hỏi Ta về nghĩa lý như vầy, văn cú như vầy, từ ngữ như vầy,[7] Ta đã dùng nghĩa lý thế này, văn cú thế này, từ ngữ thế này để giảng nói cho họ, giống như lời Tôn giả Xá-lợi-phất đã nói.

Này A-nan! Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn cho rằng khổ, vui do tự mình tạo, Ta liền đến hỏi họ: “Có thật các ông cho rằng khổ, vui do tự mình tạo ra chăng?”

Những người kia trả lời: “Đúng như thế.” Ta liền hỏi họ: “Các ông chấp chặt nghĩa này, cho đó là chân thật, còn những điều khác đều là ngu si, Ta không chấp nhận như thế. Vì sao như vậy? Vì Ta nói sự sanh khởi của khổ, vui khác hẳn với điều này.”

Nếu những người kia hỏi Ta: “Vì sao Cù-đàm cho rằng sự sanh khởi của khổ, vui là do những điều khác?” Ta sẽ đáp: “Tùy theo duyên khởi của chúng mà sanh ra khổ, vui.”

Cũng như vậy, nói rằng khổ, vui là do người khác tạo ra; do mình và người khác cùng tạo ra; không phải do mình, cũng chẳng phải do người khác, không có nguyên nhân tạo ra, thì Ta cũng đến nói với họ những điều như trên.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Nghĩa lý Thế Tôn vừa nói, nay con đã hiểu, do có sanh nên có già chết, chẳng phải do duyên nào khác. Do có sanh nên có già chết,... (cho đến) do vô minh nên có hành, chẳng phải do duyên nào khác; do có vô minh cho nên có hành, vô minh diệt thì hành diệt,... (cho đến) sanh diệt thì già, bệnh, chết, lo lắng, buồn rầu, đau khổ, phiền não đều diệt, như vậy là toàn bộ khối khổ lớn đã diệt.

Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi đi ra.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.343. 0093b25). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.303. 0086b24); S. 12.24 - II. 32; S. 12.25 - II. 37.  

[2] Nguyên tác: Thử thị vô ký (此是無記). Câu này đề cập về một phương diện khác, như Tạp. 雜 (T.02. 0099.300. 0085c03). Theo A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa luận 阿毘達磨大毘婆沙論 (T.27. 1545.15. 0072b09), ngoại đạo chấp có thật ngã, tự mình làm tự mình cảm thọ, Phật chủ trương vô ngã nên không thế đáp hoặc không thể xác nhận câu hỏi của họ.

[3] Nguyên tác: Như thuyết thuyết (如說說). Sư tử kinh 師子經 (T.01. 0026.18. 0441a12-a16) ghi là “thuyết pháp như pháp” (說法如法), “Thuyết như pháp” (說如法).

[4] Nguyên tác: Tùy thuận pháp (隨順法). Xem chú thích 68, kinh số 27, quyển 1, tr. 24; Tạp. 雜 (T.02. 0099.27. 0005c20).

[5] Nguyên tác: Thanh văn (聲聞).

[6] Xem Tạp. 雜 (T.02. 0099.303. 0086b24).

[7] Nguyên tác: Như thị cú, như thị vị (如是句, 如是味). Vị (味, vyañjana) vừa có nghĩa là vị của món ăn vừa có nghĩa là mẫu tự.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.