Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 13

312. TUỔI GIÀ HỌC ĐẠO[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, Ma-la-ca-cữu29 đến chỗ đức Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch rằng:

_ Lành thay! Bạch Thế Tôn! Kính xin Ngài hãy thuyết pháp cho con, khi nghe pháp xong, con sẽ một mình ở nơi thanh vắng, tinh chuyên thiền định, sống không buông lung... (cho đến) tự biết không còn tái sanh.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với Ma-la-ca-cữu rằng:

_ Những thanh niên trẻ tuổi thông minh lanh lợi, xuất gia chưa bao lâu, đối với giáo pháp của Như Lai còn không biếng nhác, huống gì thầy tuổi tác đã cao, các căn suy yếu mà lại muốn nghe Như Lai chỉ dạy vắn tắt.

Ma-la-ca-cữu bạch Phật:

_ Kính bạch Thế Tôn! Mặc dù tuổi tác đã cao, các căn đã yếu, nhưng con vẫn muốn được nghe Thế Tôn chỉ dạy vắn tắt. Kính xin Thế Tôn chỉ dạy vắn tắt cho con, khi nghe pháp xong con sẽ một mình ở nơi thanh vắng, tinh chuyên thiền định, sống không buông lung,... (cho đến) tự biết mình không còn tái sanh.

Ma-la-ca-cữu thỉnh cầu như vậy lần thứ hai, rồi lần thứ ba.

Phật nói với Ma-la-ca-cữu:

_ Thầy hãy thôi đi!

Thế Tôn cũng ba lần từ chối như vậy, không vì thầy ấy mà thuyết pháp.

Bấy giờ, Thế Tôn hỏi Ma-la-ca-cữu:

_ Nay Ta hỏi thầy, thầy hãy tùy ý mà trả lời.

Phật hỏi:

_ Nếu mắt chưa từng thấy sắc, ông sẽ muốn thấy. Đối với sắc ấy, ông có khởi tâm tham muốn, ưa thích, nhớ nghĩ và nhiễm trước chăng?

Ma-la-ca-cữu đáp:

_ Thưa không, bạch Thế Tôn!

Đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, đức Phật cũng hỏi như vậy.

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

_ Lành thay! Lành thay! Này Ma-la-ca-cữu! Đối với cái thấy thì hãy dùng cái thấy để hạn lượng,[2] với cái nghe thì dùng cái nghe để hạn lượng, với cảm thọ[3] thì dùng cảm thọ để hạn lượng, với thức tri thì lấy thức tri để hạn lượng.

Rồi đức Phật nói kệ:

Nếu ông chẳng phải kia,
Kia cũng chẳng phải đây,
Cũng chẳng ở khoảng giữa,
Là vượt thoát khổ đau.[4]

Ma-la-ca-cữu bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Con đã hiểu. Thưa Thiện Thệ! Con đã rõ.

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

– Ông hiểu thế nào đối với nghĩa lý rộng sâu trong giáo pháp mà Như Lai đã lược nói?

Bấy giờ, Ma-la-ca-cữu dùng kệ thưa Phật:

Nếu khi mắt thấy sắc,
Mà đánh mất chánh niệm,
Thì với sắc được thấy,
Sẽ chấp tướng yêu thích.
Người chấp tướng yêu thích,
Tâm thường bị dính mắc,
Khởi sanh các ái nhiễm,
Vô lượng sắc cùng sanh.
Tham dục, sân, hại, thọ,
Khiến tâm kia thoái lui,
Tăng trưởng thêm các khổ,
Xa lìa chốn Niết-bàn.
Thấy sắc, không chấp tướng,
Giữ tâm trụ chánh niệm,
Không nhiễm ái, ác tâm,
Cũng không sanh chấp trước.
Không khởi nơi các ái,
Vô lượng sắc cùng sanh,
Tham dục, khuể, hại, thọ,
Chẳng thể hoại tâm kia.
Dần tiến đến Niết-bàn,
Đấng Nhật Chủng33 đã nói,
Lìa ái được Niết-bàn.
Nếu tai nghe các tiếng,
Tâm đánh mất chánh niệm,
Chấp vào tướng âm thanh,
Giữ chặt không xả bỏ.
Mũi hương, lưỡi nếm vị,
Thân xúc, ý niệm pháp,
Mà quên mất chánh niệm,
Chấp tướng cũng như thế.
Tâm kia sanh yêu thích,
Mê đắm trụ vững chắc,
Khởi các loại tham ái,
Vô lượng tập cùng sanh.
Tham dục, sân, hại, thọ,
Hại tâm kia thoái thất,
Nuôi lớn các khổ uẩn,
Mãi rời xa Niết-bàn.
Không nhiễm nơi các pháp,
Trụ chánh niệm, tỉnh giác,
Tâm ấy chẳng nhiễm ô,
Và cũng không đắm trước.
Không khởi nơi các ái,
Vô lượng tập cùng sanh,
Tham, sân khuể, hại, thọ,
Tâm kia không thoái thất.
Thì các khổ giảm dần,
Đến gần Bát-niết-bàn,
Ái sạch, được Niết-bàn,
Lời Thế Tôn đã nói.

Đó chính là nghĩa lý được hiểu rõ ràng trong giáo pháp mà Thế Tôn đã lược nói.

Đức Phật nói với Ma-la-ca-cữu:

– Đối với giáo pháp Như Lai lược nói, nay ông đã hiểu rõ ràng nghĩa lý. Vì sao như vậy? Vì đúng như bài kệ mà ông đã nói:

Nếu khi mắt thấy sắc,
Mà đánh mất chánh niệm,
Thì với sắc được thấy,
Sẽ chấp tướng yêu thích.

(Nói đầy đủ như trên).

Bấy giờ, Tôn giả Ma-la-ca-cữu nghe đức Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi rời đi.

Sau khi Tôn giả Ma-la-ca-cữu giải rộng nghĩa lý trong giáo pháp mà Thế Tôn lược nói, thầy ấy một mình ở nơi thanh vắng, tinh chuyên thiền định, sống không buông lung,... (cho đến) chứng quả A-la-hán, tâm được giải thoát.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.312. 0089c24). Tham chiếu: S. 35.92 - IV. 72. 29 Ma-la-ca-cữu (摩羅迦舅, Mālunkyāputta).

[2] Nguyên tác: Kiến dĩ kiến vi lượng (見以見為量): Với cái thấy thì chỉ nên giới hạn trong cái thấy đó. Tham chiếu: S. 35.95 - IV. 72: Diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati (với cái thấy chỉ là cái thấy).

[3] Nguyên tác: Giác (覺).

[4] Tham chiếu: S. 35.95 - IV. 72: Này Mālukyaputta, ông không có vì cái ấy, nên ông không có: “Ở nơi đây.” Do vì, này Mālukyaputta, ông không có: “Ở nơi đây”, do vậy, này Mālukyaputta, ông sẽ không có đời này, đời sau và giữa hai đời ấy. Ðây là sự chấm dứt khổ đau (HT. Thích Minh Châu dịch).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.