Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 13
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Phú-lâu-na[2] đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi đứng sang một bên và bạch Phật:
_ Lành thay! Bạch Thế Tôn! Xin hãy vì con mà thuyết pháp, khi nghe pháp xong, con sẽ ở một mình nơi thanh vắng, tinh chuyên thiền định, sống không buông lung,... (cho đến) tự biết không còn tái sanh.
Phật bảo Phú-lâu-na:
_ Lành thay! Lành thay! Thầy có thể hỏi Như Lai về nghĩa này, hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì thầy mà giảng nói.
Nếu Tỳ-kheo nào mà mắt thấy sắc đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ, vừa ý, nuôi lớn tham dục; khi thấy rồi, vị ấy thích thú, khen ngợi, dính mắc; do thích thú, khen ngợi, dính mắc nên hoan hỷ; do hoan hỷ rồi sanh đắm nhiễm; do đắm nhiễm rồi sanh tham ái; do tham ái nên bị chướng ngăn. Vì có hoan hỷ, đắm nhiễm, tham ái, chướng ngăn nên cách xa với Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
Này Phú-lâu-na! Nếu Tỳ-kheo nào mà mắt thấy sắc đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ, vừa ý, nuôi lớn tham dục; thấy rồi nhưng không khởi tâm ưa thích, không khen ngợi, không dính mắc. Vì không ưa thích, không khen ngợi, không dính mắc nên không hoan hỷ; vì không hoan hỷ nên không đắm nhiễm; vì không đắm nhiễm nên không tham ái; do không tham ái nên không có chướng ngăn. Vì không hoan hỷ, không đắm nhiễm, không tham ái, không chướng ngăn nên vị ấy đến gần với Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
Phật bảo Phú-lâu-na:
_ Ta đã nói vắn tắt về giáo pháp, vậy thầy muốn an trú ở đâu?
Phú-lâu-na bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Con đã nghe Thế Tôn nói vắn tắt về giáo pháp, nay con muốn du hành trong nhân gian về phía Tây xứ Du-lô-na!26
Phật bảo Phú-lâu-na:
_ Như Ta được biết, người ở phía Tây xứ Du-lô-na tánh tình hung hăng, nóng nảy, lỗ mãng, ưa thích mắng chửi. Phú-lâu-na, nếu gặp phải sự hung ác, nóng nảy, thô bạo, mắng chửi, hủy nhục của họ thì thầy phải làm sao?
Phú-lâu-na bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Người dân ở phía Tây xứ Du-lô-na nếu họ nói những lời hung ác, mắng chửi, hủy nhục trước mặt con thì ngay lúc đó con nghĩ rằng: “Người dân ở phía Tây xứ Du-lô-na hiền thiện, có trí tuệ; tuy họ tỏ vẻ hung ác, mắng chửi hay hủy nhục trước mặt ta, nhưng họ vẫn chưa dùng tay đánh đập hoặc ném đá ta.”
Phật bảo Phú-lâu-na:
_ Người dân ở phía Tây xứ Du-lô-na nếu hung dữ, nóng nảy, lỗ mãng, mắng chửi thầy thì còn có thể tránh được; nhưng nếu họ dùng tay đánh đập hoặc ném đá hại thầy thì thầy phải làm sao?
Phú-lâu-na bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Người dân phía Tây xứ Du-lô-na nếu họ có dùng tay đánh đập hoặc ném đá con thì ngay lúc đó con cũng nghĩ rằng: “Dân Du-lô-na vẫn lương thiện, có trí tuệ; tuy họ dùng tay đánh đập hay ném đá ta, nhưng chưa đến nỗi dùng dao, gậy để hại ta.” Phật bảo Phú-lâu-na:
_ Nếu họ dùng dao, gậy để hại thầy thì thầy phải làm sao?
Phú-lâu-na bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Người xứ Du-lô-na nếu dùng dao, gậy để hại con thì ngay lúc đó con khởi niệm: “Dân xứ Du-lô-na kia vẫn hiền thiện, có trí tuệ; tuy họ dùng dao, gậy hại ta nhưng chưa giết ta.” Phật bảo Phú-lâu-na:
_ Giả sử họ giết thầy thì thầy phải làm sao?
Phú-lâu-na bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Người dân Du-lô-na nếu có giết con thì ngay lúc đó con nghĩ rằng: “Có nhiều vị đệ tử của Thế Tôn nhàm chán thân này, có người dùng dao tự sát, có người uống thuốc độc, có người dùng dây thắt cổ, có người lao mình xuống hố sâu. Người dân Du-lô-na kia vẫn còn lương thiện, có trí tuệ, vì đối với thân hư mục này của ta, họ chỉ tạo chút phương tiện, giúp ta sớm được giải thoát.” Phật bảo:
_ Lành thay, Phú-lâu-na! Thầy khéo học hạnh nhẫn nhục. Nay thầy có thể an trú ở xứ Du-lô-na để giáo hóa. Thầy nên đi ngay, hãy hóa độ cho những người chưa được độ thì khiến cho họ được độ, người chưa an thì khiến cho họ được an, người chưa chứng Niết-bàn thì hãy khiến họ được Niết-bàn.
Sau khi nghe lời Phật dạy, Tôn giả Phú-lâu-na hoan hỷ và tùy hỷ, kính lễ Phật rồi rời đi.
Bấy giờ, khi đêm đã qua, trời vừa rạng sáng, Tôn giả Phú-lâu-na đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thọ thực xong, Tôn giả quay trở về trụ xứ, gửi gắm ngọa cụ rồi đắp y, mang y bát du hành trong nhân gian đến xứ Du-lô-na. Đến nơi, Tôn giả an cư mùa mưa[3] tại đó và thuyết pháp độ được năm trăm ưu-bà-tắc, xây dựng năm trăm Tăng-già-lam và cúng dường chư Tăng các thứ vật dụng như giường nằm, chăn mền thảy đều đầy đủ. Sau khi mãn hạ, Tôn giả chứng được Tam minh rồi nhập Vô dư Niết-bàn tại nơi đó. ***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.311. 0089b01). Tham chiếu: Mãn Nguyện tử kinh 滿願子經 (T.02. 0108. 0502c05); Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 根本說一切有部毘奈耶藥事 (T.24. 1448.3. 0010a13); M. 145, Puṇṇovāda Sutta (Kinh giáo giới Phú-lâu-na);
S. 35.88 - IV. 60.
[2] Phú-lâu-na (富樓那, Puṇṇa), Hán dịch là Mãn Từ Tử (滿慈子), Mãn Chúc Tử (滿祝子), Mãn Nguyện Tử (滿願子). Mãn (滿) là tên của ngài, Từ (慈) là họ mẹ, vì lấy họ mẹ nên gọi là Mãn Từ Tử. 26 Nguyên tác: Tây phương Du-lư-na (西方輸盧那, Sunāparanta). Theo DPPN, đây là quê hương của Tôn giả Phú-lâu-na (Puṇṇa Thera).
[3] Nguyên tác: Hạ an cư (夏安居). Mùa mưa ở Ấn Độ thường kéo dài khoảng hơn 3 tháng, trong khoảng thời gian đó, Phật dạy hàng xuất gia phải ở yên một chỗ, chuyên tâm tu tập, gọi là “an cư.” Việc an cư trong mùa mưa (雨安居, vassāna) cũng là mùa hạ nên được dịch là “an cư mùa hạ” (夏安居). Nhằm phản ánh đúng nguồn gốc của vấn đề nên chúng tôi dịch là “an cư mùa mưa.”
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.