Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05

QUYỂN 13

309. SỐNG CHUNG VÀ SỐNG MỘT MÌNH18

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ bên hồ Yết-già,19 thuộc nước Chiêm-bà.

Bấy giờ, Tôn giả Lộc-nữu20 đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

– Kính bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn đã nói có hai hạng người, hạng người sống cùng với người thứ hai và hạng người sống một mình.21 Vậy thế nào là người sống cùng với người thứ hai và thế nào là người sống một mình?

Phật bảo Lộc-nữu:

– Lành thay! Lành thay! Này Lộc-nữu! Thầy có thể hỏi Như Lai nghĩa này.

Rồi Phật dạy:

– Nếu mắt nhận biết sắc đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ, vừa ý, nuôi lớn tham dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi liền vui mừng, khen ngợi, sống trong trói buộc; khi đã vui mừng, khen ngợi và sống trong trói buộc rồi thì tâm vị ấy trở nên vui thích; do vui thích nên yêu mến; do yêu mến nên tham ái; do tham ái nên bị chướng ngăn. Người sống với vui thích, yêu mến, tham ái và chướng ngăn, đó gọi là sống chung với người thứ hai. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

Này Lộc-nữu! Tương tự như vậy, nếu Tỳ-kheo nào tuy sống một mình ở nơi thanh vắng nhưng cũng được gọi là sống chung với người thứ hai. Vì sao như vậy? Vì không đoạn trừ, không dứt bỏ ái hỷ. Người không đoạn trừ, không biết rõ đối với ái dục, thế nên chư Phật, Như Lai gọi là sống chung với người thứ hai.

Nếu có Tỳ-kheo nào [đối với sắc] đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ, vừa ý, nuôi lớn tham dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi nhưng không sanh tâm vui mừng, không khen ngợi, không sống trong trói buộc; do không vui mừng, không khen ngợi, không sống trong trói buộc nên không vui thích; do không vui thích nên không yêu mến; do không yêu mến nên không tham ái; do không tham ái nên không bị chướng ngăn. Người sống mà không vui thích, không yêu mến, không tham ái, không chướng ngăn, đó gọi là sống một mình. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng nói như vậy.

Này Lộc-nữu! Tương tự như vậy, nếu Tỳ-kheo nào tuy sống trong lầu cao nhà rộng nhưng cũng giống như người đang sống một mình. Vì sao như vậy?

Vì vị ấy đã dứt sạch tham ái, đã biết rõ. Người đã dứt sạch tham ái và đã biết rõ, chư Phật, Như Lai gọi là người sống một mình.

Bấy giờ, sau khi nghe đức Phật dạy xong, Tôn giả Lộc-nữu hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi ra về.

***

Chú thích
18 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.309. 0088c18). Tham chiếu: S. 35.62 - IV. 35.
19 Yết-già trì (揭伽池, Gaggarā Pokkharaṇī), tên hồ sen rất đẹp ở nước Chiêm-bà (瞻婆, Campā). Hồ sen này do Hoàng hậu Gaggarā xây dựng nên được gọi theo tên của bà.
20 Lộc-nữu (鹿紐, Migajāla).
21 Hữu đệ nhị trụ (有第二住) còn được gọi “hữu bạn đồng trụ” (有伴同住, sadutiyavihārī), là sống với người bạn đồng học. Nhất nhất trú (一一住, ekavihārī): Người sống một mình.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.