Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 13
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Chư thiên và loài người đều đắm nhiễm, yêu thích, dính mắc nơi sắc. Nếu sắc ấy vô thường, biến đổi, diệt mất thì chư thiên và loài người kia sẽ sống rất đau khổ. Họ cũng đắm nhiễm, yêu thích, dính mắc nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nếu các pháp ấy biến đổi, vô thường, diệt mất thì chư thiên và loài người kia cũng sống rất đau khổ.
Đối với sắc, sự tập khởi của sắc, sự hoại diệt của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự thoát ly của sắc, Như Lai biết đúng như thật. Vì đã biết đúng như thật nên đối với sắc, Như Lai không đắm nhiễm, không yêu thích, không dính mắc. Sắc ấy dẫu là vô thường, biến đổi, hoại diệt thì Như Lai vẫn luôn sống trong an lạc. Đối với sự hiện hữu, sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại, thoát ly của thanh, hương, vị, xúc, pháp, Như Lai đã biết đúng như thật. Khi đã biết đúng như thật rồi nên Như Lai không đắm nhiễm, không yêu thích, không dính mắc. Cho dù sắc này là vô thường, biến đổi, hoại diệt đi nữa thì Như Lai vẫn sống an lạc. Vì sao như vậy? Vì mắt duyên với sắc sanh ra nhãn thức, ba yếu tố này hòa hợp sanh ra xúc, duyên xúc sanh ra cảm thọ, gồm cảm thọ khổ, cảm thọ vui và cảm thọ không khổ không vui. Đối với sự tập khởi của thọ, sự hoại diệt của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự thoát ly thọ này cũng phải biết đúng như thật. Sắc ấy là nhân duyên sanh ra sự chướng ngại. Khi sự chướng ngại đã không còn gọi là Niết-bàn an ổn tối thượng. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Ý duyên với pháp sanh ra ý thức, ba yếu tố này hòa hợp sanh ra xúc, duyên xúc sanh ra cảm thọ, gồm cảm thọ khổ, cảm thọ vui và cảm thọ không khổ không vui. Đối với sự tập khởi của thọ, sự hoại diệt của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự thoát ly thọ này cũng phải biết đúng như thật. Pháp ấy là nhân duyên sanh ra sự chướng ngại. Khi sự chướng ngại đã diệt rồi gọi là Niết-bàn an ổn tối thượng.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Nơi sắc, thanh, hương, vị,
Xúc, pháp, sáu cảnh giới,
Xưa nay sanh vui thích,
Ái nhiễm vui đắm sâu.
Chư thiên và loài người,
Nương vào đó làm vui,
Khi biến đổi, diệt mất,
Họ sanh ra khổ sầu.
Chỉ có bậc Hiền thánh,
Thấy diệt ấy là vui,
Niềm vui của thế gian,
Quán sát đều bi ai.
Điều Hiền thánh thấy khổ,
Thế gian cho là vui,
Sự khổ của thế gian,
Đối với Thánh là vui.
Pháp sâu xa khó hiểu,
Thế gian sanh nghi hoặc,
Chìm đắm trong tối tăm,
Mờ mịt chẳng thấy gì.
Chỉ có người trí tuệ,
Mở ra nguồn sáng lớn,
Lời sâu xa như thế,
Phàm phu sao hiểu được,
Không còn thọ thân sau,
Mới hiểu rõ nghĩa mầu.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.308. 0088b15). Tham chiếu: S. 35.136 - IV. 126.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.