Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 13

307. BẬC THẤY PHÁP[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo sống một mình ở nơi thanh vắng, chuyên tâm tư duy, khởi ý niệm như vầy: “Tỳ-kheo biết như thế nào, thấy như thế nào để được gọi là thấy pháp?” Tư duy như vậy rồi, vị ấy xả thiền, đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch Phật:

_ Kính bạch Thế Tôn! Con sống một mình ở nơi thanh vắng, chuyên tâm tư duy, khởi ý niệm như vầy: “Tỳ-kheo biết như thế nào, thấy như thế nào để được gọi là thấy pháp?” Nay con kính hỏi Thế Tôn, cúi mong Ngài giải thích cho!

Đức Phật bảo:

_ Này Tỳ-kheo! Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ nói cho thầy. Có hai pháp, đó là mắt duyên với sắc sanh ra nhãn thức (như kinh trên đã nói).[2] Tôn giả ấy sau khi nghe Thế Tôn dạy bèn nói kệ:

Mắt, sắc hai thứ duyên, 
Sanh tâm và tâm pháp,
Thức và xúc đều sanh,
Thọ, tưởng nhân đó khởi.
Đều chẳng ngã, ngã sở,
Cũng không phước-già-la,
Chẳng phải ma-nậu-xà,
Chẳng phải ma-na-bà.
Đó chính là sanh diệt,
Khổ ấm, pháp biến đổi,
Duyên đây mà khởi tưởng,
Lập bày có chúng sanh.
Na-la, ma-nậu-xà,
Cùng với ma-na-bà,
Và tưởng nhiều loài khác,
Đều do khổ ấm sanh.
Các nghiệp ái, vô minh,
Tích tụ ấm đời khác,
Các Sa-môn ngoại đạo,
Luận khác về hai pháp,
Chỉ là lời nói suông,
Nghe xong thêm mê loạn.
Tham ái dứt không còn,
Vô minh diệt vĩnh viễn,
Ái sạch, các khổ dứt,
Vô thượng, Phật nói rõ.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.307. 0088a21).

[2] Bản Hán tỉnh lược, xem nội dung đầy đủ trong kinh số 306; Tạp. 雜 (T.02. 0099.306. 0087c18).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.