Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 13
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo sống nơi thanh vắng, chuyên tâm tư duy, khởi lên ý niệm: “Tỳ-kheo nên biết như thế nào, thấy như thế nào để được thấy pháp?” Suy nghĩ như vậy rồi, Tỳ-kheo liền rời chỗ ngồi, đi đến chỗ đức Phật, lạy sát chân Ngài, ngồi sang một bên rồi bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Con sống một mình ở nơi thanh vắng, chuyên tâm tư duy, khởi ý niệm như vầy: “Tỳ-kheo biết như thế nào, thấy như thế nào để được thấy pháp?”
Khi ấy, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia rằng:
_ Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ nói cho thầy được biết. Có hai pháp, là hai pháp nào? Đó là mắt và sắc... (nói đầy đủ như vậy, cho đến)[2] “không phải cảnh giới của họ.” Vì sao như vậy? Vì mắt duyên với sắc mà sanh ra nhãn thức, ba yếu tố này hòa hợp sanh ra xúc, duyên xúc sanh ra thọ, tưởng. Bốn uẩn vô sắc này cùng với mắt và sắc, những pháp này được gọi là con người. Do những pháp này mà tác thành nên tưởng về con người, chúng sanh, na-la, ma-nậu-xà, ma-na-bà, sĩ phu, phước-già-la, kỳ-bà, thiền-đầu.[3]
Lại nói như vầy: “Mắt tôi thấy sắc, tai tôi nghe tiếng, mũi tôi ngửi mùi, lưỡi tôi nếm vị, thân tôi chạm biết, ý tôi phân biệt pháp.” Vị ấy giả lập và nói rằng: “Vị Tôn giả này tên như vậy, sanh ra như vậy, có họ như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ vui như vậy, trường thọ như vậy, ở lâu như vậy, thọ mạng giới hạn như vậy.”
Này Tỳ-kheo! Những ý niệm trên thuộc về tưởng, thuộc về ghi nhớ, thuộc về ngôn thuyết. Các pháp này thảy đều vô thường, hữu vi, do suy nghĩ, mong cầu sanh ra. Nếu các pháp là vô thường, hữu vi, do suy nghĩ, mong cầu sanh ra thì đó là khổ. Lại nữa, pháp ấy sanh cũng khổ, trụ cũng khổ, diệt cũng khổ, tái sanh nhiều lần cũng khổ, hết thảy đều khổ. Nếu khổ ấy đoạn trừ hết không sót lại gì, loại bỏ hết, dứt sạch, lìa dục, tịch diệt, tịch tĩnh và ngưng nghỉ,[4] các khổ khác không còn tiếp nối, không còn phát sanh nữa thì đó là tịch diệt, đó là thắng diệu. Nghĩa là xả bỏ tất cả hữu dư, dứt sạch mọi ái dục, được vô dục, diệt tận, Niết-bàn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân duyên với xúc mà sanh ra thân thức, ba yếu tố này hòa hợp sanh ra xúc, duyên xúc sanh ra thọ, tưởng, tư. Bốn uẩn vô sắc này cùng với thân căn là sắc ấm, những pháp này gọi là con người,... (chi tiết như đoạn trên đã nói, cho đến) diệt tận, Niết-bàn. Ý duyên với pháp sanh ra ý thức, ba yếu tố này hòa hợp sanh ra xúc, duyên xúc sanh ra thọ, tưởng, tư. Bốn uẩn vô sắc này và bốn đại là sở y của con người;[5] những pháp này gọi là con người,... (chi tiết như đoạn trên đã nói, cho đến) diệt tận, Niết-bàn.
Nếu những ai đối với các pháp này, tâm tùy theo đó mà thể nhập, an trú, giải thoát, không thoái chuyển thì đối với vị ấy, những chấp trước khởi lên đều không có ngã.
Này Tỳ-kheo! Biết như vậy, thấy như vậy, gọi là thấy pháp.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.306. 0087c18).
[2] Bản Hán tỉnh lược, xem nội dung đầy đủ trong kinh số 213; Tạp. 雜 (T.02. 0099.213. 0054a01).
[3] Nguyên tác: 人想, 眾生, 那羅, 摩㝹闍, 摩那婆, 士夫, 福伽羅, 耆婆, 禪頭. Những danh từ này chỉ cho tự ngã trong những bối cảnh cụ thể.
[4] Nguyên tác: Tận, vô dục, diệt, tức, một (盡, 無欲, 滅, 息, 沒). Tham chiếu: Phân biệt lục giới kinh 分別六界經 (T.01. 0026.162. 0692a18): Tận, vô dục, diệt, tức, chỉ (盡, 無欲, 滅, 息, 止).
[5] Nguyên tác: Sĩ phu (士夫), chỉ cho con người.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.