Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 13

305. SÁU PHÂN BIỆT VỀ SÁU NHẬP XỨ [1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa trong dân chúng Câu-lâu, ngụ ở thôn Điều Ngưu.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Ta sẽ thuyết pháp cho các thầy nghe. Pháp ấy phần đầu, phần giữa và phần cuối đều thiện, nghĩa lý sâu xa, ngôn từ chuẩn xác, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch,[2] đó là Kinh sáu phân biệt về sáu nhập xứ. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng nói cho các thầy.

Thế nào là Kinh sáu phân biệt về sáu nhập xứ? Nghĩa là, đối với nhãn căn mà không thấy biết đúng như thật. Đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc và nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui đều không được thấy biết đúng như thật. Vì không thấy biết đúng như thật nên đắm nhiễm nơi mắt; đắm nhiễm nơi sắc, nơi nhãn thức, nơi nhãn xúc và nơi nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui, hết thảy đều bị đắm nhiễm. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... pháp, ý thức, ý xúc và ý xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui, hết thảy đều không được thấy biết đúng như thật, vì không thấy biết đúng như thật nên sanh ra đắm nhiễm. 

Như vậy, do đắm nhiễm nên bị dính mắc,[3] mê mờ, luyến tiếc, trói buộc tâm mình, nuôi lớn năm thủ uẩn và tham ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, [đi cùng với] hỷ và tham,[4] thảy đều tăng trưởng, khiến cho thân tâm mệt mỏi, thân tâm bị thiêu đốt, thân tâm bị bốc cháy, thân tâm bị điên loạn, thân sanh ra cảm thọ khổ. Vì thân sanh ra cảm thọ khổ cho nên sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não trong tương lai thảy đều tăng trưởng, đó gọi là toàn bộ khối khổ lớn tập khởi.

Này các Tỳ-kheo! Nếu đối với mắt mà thấy biết đúng như thật; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc và nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui mà thấy biết đúng như thật; thấy đúng như thật rồi thì đối với mắt không bị đắm nhiễm; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc và nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui hết thảy đều không bị đắm nhiễm. Cũng vậy đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý pháp đều thấy biết đúng như thật. Đối với pháp, ý thức, ý xúc và ý xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui, hết thảy thấy biết đúng như thật. Do thấy biết đúng như thật nên đối với ý không bị đắm nhiễm; đối với pháp, ý thức, ý xúc và ý xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong, hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui, hết thảy đều không đắm nhiễm.

Vì không đắm nhiễm nên không bị dính mắc, không mê mờ, không luyến tiếc, không trói buộc khiến năm thủ uẩn bị tổn giảm và tham ái đưa đến đời sau, [đi cùng với] hỷ và tham rồi đắm trước chỗ này chỗ kia, thảy đều bị tiêu diệt, nên thân không mệt mỏi, tâm không mệt mỏi, thân không thiêu đốt, tâm không thiêu đốt, thân không bốc cháy, tâm không bốc cháy; ngược lại, thân cảm thấy an vui, tâm cảm thấy an vui. Vì thân tâm cảm thấy an vui cho nên sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não trong đời tương lai thảy đều tiêu diệt. Như vậy, toàn bộ khối khổ lớn này tiêu diệt.

Biết như vậy, thấy như vậy gọi là tu tập đầy đủ chánh kiến, cũng là tu tập thanh tịnh đầy đủ chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định và chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng đã nói ở trước. Đây gọi là tu tập thanh tịnh đầy đủ Thánh đạo tám chi. Tu tập đầy đủ Thánh đạo tám chi rồi thì cũng tu tập đầy đủ bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực và bảy Bồ-đề phần.

Nếu pháp nào nên biết rõ, nên thấu suốt thì phải biết rõ, phải thấu suốt. Nếu pháp nào nên biết rõ, nên đoạn trừ thì phải biết rõ, phải đoạn trừ. Nếu pháp nào nên biết rõ, nên tác chứng thì phải biết rõ, phải tác chứng. Nếu pháp nào nên biết rõ, nên tu tập thì phải tu tập cho xong.

Những pháp nào nên biết rõ, nên thấu suốt thì phải biết rõ, phải thấu suốt? Đó là danh và sắc.

Những pháp nào nên biết rõ, nên đoạn trừ? Đó là vô minh và hữu ái.

Những pháp nào nên biết rõ, nên tác chứng? Đó là minh và giải thoát.

Những pháp nào nên biết rõ, nên tu tập? Đó là pháp chỉ và pháp quán.

Nếu Tỳ-kheo nào đối với pháp nên biết rõ, nên thấu suốt thì vị ấy phải biết rõ, phải thấu suốt; đối với pháp nào nên biết rõ, nên đoạn trừ thì vị ấy phải biết rõ, phải đoạn trừ; đối với pháp nào nên biết rõ, nên tác chứng thì vị ấy phải biết rõ, phải tác chứng; đối với pháp nào nên biết rõ, nên tu tập thì vị ấy phải biết rõ, phải tu tập; đó gọi là vị Tỳ-kheo đoạn trừ ái dục, dứt các kiết sử, tỏ ngộ hoàn toàn,[5] vượt thoát khổ đau.

Này các Tỳ-kheo, đây gọi là Kinh sáu phân biệt về sáu nhập xứ.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đức Phật dạy trong kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.305. 0087a27). Tham chiếu: M. 149, Mahāsaḷāyatanika Sutta (Ðại kinh sáu xứ).

[2] Nguyên tác: Sơ trung hậu thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất mãn tịnh, Phạm hạnh thanh bạch (初中後善, 善義, 善味, 純一滿淨, 梵行清白). Xem chú thích 94, kinh số 53, quyển 2, tr. 55; Tạp. 雜 (T.02. 0099.53. 0012c04).

[3] Nguyên tác: Tương ưng (相應). Theo Hán dịch A-hàm kinh từ điển (漢譯阿含經辭典), “tương ưng” mang nghĩa là bị trói buộc (被束縛).

[4] Nguyên tác: Đương lai hữu ái tham hỷ (當來有愛貪喜). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.123. 0040b02): Đương lai hữu ái tham hỷ câu (當來有愛貪喜俱).

[5] Nguyên tác: Chánh vô gián đẳng (正無間等). Xem chú thích 60, kinh số 23, quyển 1, tr. 21; Tạp. 雜 (T.02. 0099.23. 0005a11).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.