Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 13

322. CĂN VÀ TRẦN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên, bạch rằng:

_ Bạch Thế Tôn! Như lời Thế Tôn nói, mắt là căn bên trong[2] nhưng Thế Tôn chỉ nói sơ lược, không giảng giải rộng rãi. Vì sao mắt là căn bên trong?

Phật bảo Tỳ-kheo ấy:

_ Mắt là căn bên trong vì nó là phần sắc chất vi tế[3] do bốn đại tạo thành, không nhìn thấy nhưng gây đối ngại.[4] Tai, mũi, lưỡi, thân là căn bên trong cũng nói như thế.

Tỳ-kheo lại thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Như lời Thế Tôn nói, ý là căn bên trong nhưng không giảng giải rộng rãi. Vì sao ý là căn bên trong?

Phật bảo Tỳ-kheo:

_ Ý là căn bên trong, là bởi tâm, ý và thức không thuộc sắc chất, không nhìn thấy và cũng không gây đối ngại54 cho nên gọi ý là căn bên trong.

Tỳ-kheo ấy lại hỏi:

_ Như lời Thế Tôn dạy, sắc là trần bên ngoài nhưng Thế Tôn chỉ nói sơ lược mà không giảng giải rộng rãi. Vì sao Thế Tôn nói sắc là trần bên ngoài?

Phật bảo Tỳ-kheo:

_ Sắc là trần bên ngoài, bởi sắc do bốn đại tạo thành, có thể thấy, có gây đối ngại cho nên gọi sắc là trần bên ngoài.

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

_ Thế Tôn nói thanh là trần bên ngoài nhưng không giảng giải rộng rãi. Vì sao thanh là trần bên ngoài?

Phật dạy Tỳ-kheo:

_ Bởi vì âm thanh do bốn đại tạo thành, không thể nhìn thấy nhưng có đối ngại. Đối với thanh, hương, vị cũng giống như thế.

Tỳ-kheo ấy lại hỏi:

_ Thế Tôn nói xúc là trần bên ngoài nhưng không giảng giải rộng rãi. Vì sao xúc là trần bên ngoài?

Phật bảo Tỳ-kheo:

_ Xúc là trần bên ngoài, nghĩa là bốn đại và sắc do bốn đại tạo thành, không thể thấy nhưng có đối ngại nên gọi xúc là trần bên ngoài.

Tỳ-kheo ấy lại hỏi:

_ Thế Tôn nói pháp là trần bên ngoài nhưng không giảng giải rộng rãi. Vì sao pháp là trần bên ngoài?

Phật bảo Tỳ-kheo:

_ Pháp là trần bên ngoài, không bao gồm mười một xứ,[5] vì không thể thấy, không gây đối ngại nên gọi pháp là trần bên ngoài.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.322. 0091c01).

[2] Nguyên tác: Nội nhập xứ (內入處). P. ajjhattika āyatana (cảm quan thuộc về bên trong).

[3] Nguyên tác: Tịnh sắc (淨色), gọi đủ là “tịnh sắc căn”, là giác quan tinh tế nhạy bén, có thể hiểu như là hệ thống thần kinh của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể.

[4] Nguyên tác: Bất khả kiến, hữu đối (不可見, 有對), còn gọi là “vô kiến hữu đối”, loại sắc không nhìn thấy nhưng có tính gây đối ngại, đó chính là căn tinh tế bên trong của con mắt (tịnh sắc căn)... 54 Nguyên tác: Bất khả kiến, vô đối (不可見, 無對), còn gọi là vô kiến vô đối, loại sắc không nhìn thấy cũng không có tính gây đối ngại. Ý thức và pháp xứ không thể thấy, không thể nắm bắt, sờ mó được nên gọi là vô đối.

[5] Nguyên tác: Thập nhất nhập sở bất nhiếp (十一入所不攝), tức sáu xứ bên trong là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý (眼, 耳, 鼻, 舌, 身, 意) và năm xứ bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc (色, 聲, 香, 味, 觸).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.