Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 13

313. NHẬN ĐỊNH VỀ KINH PHÁP[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Có những kinh pháp được các Tỳ-kheo ngưỡng vọng, tôn sùng; thế nhưng đối với kinh pháp thì ngoài lòng tin, ngoài ước muốn, ngoài lắng nghe, ngoài thẩm sát tư duy, ngoài trầm tư để tiếp nhận sự thật,[2] thì phải bằng sự hiểu biết chân chánh mà tuyên bố: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”[3]Các Tỳ-kheo bạch Phật:

_ Bạch Thế Tôn! Thế Tôn là cội nguồn của giáo pháp, là pháp nhãn, là nơi y cứ của giáo pháp. Kính mong Ngài thuyết giảng cho chúng con. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ và phụng hành...

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

_ Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng cho các thầy. Này các Tỳ-kheo! Khi mắt thấy sắc nhận biết là sắc, nhưng không khởi tưởng37 tham đối với sắc. Vị ấy biết như thật rằng: “Ta trước kia có tham đối với sắc được nhận biết bởi mắt, nhưng nay không có tham đối với sắc được nhận biết bởi mắt nữa!” Nếu Tỳ-kheo nào khi mắt thấy sắc nhận biết là sắc mà không khởi tâm tham luyến sắc; vị ấy biết như thật rằng: “Trước đây, ta có tham luyến sắc được nhận biết bởi mắt, nhưng nay đã tuyên bố rằng không còn tham luyến đối với sắc được nhận biết bởi mắt nữa.” Này các Tỳ-kheo! Ý các thầy nghĩ sao? Vị ấy đối với giáo pháp có niềm tin, có ước muốn, có sự lắng nghe, có thẩm sát tư duy, có trầm tư để tiếp nhận sự thật chăng?

Các Tỳ-kheo đáp:

_ Thưa có, bạch Thế Tôn!

Thế Tôn hỏi:

_ Vị ấy trở về với giáo pháp ấy và có biết như thật bằng chánh trí về những điều mình biết, mình thấy chăng?

Đáp:

_ Thưa có, bạch Thế Tôn!

Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý thì cách thức thực hành cũng nói như vậy.

_ Này các Tỳ-kheo! Đó gọi là có kinh pháp mà các Tỳ-kheo tôn kính hướng thượng, thế nhưng đối với kinh pháp, ngoài lòng tin, ngoài ước muốn, ngoài sự lắng nghe, ngoài sự thẩm sát tư duy, ngoài trầm tư để tiếp nhận sự thật, thì phải bằng sự hiểu biết chân chánh mà tuyên bố: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] 1. Nguyên tác: Nhật Chủng (日種): Dòng Họ Mặt Trời, chỉ cho đức Phật Thích-ca. Tham chiếu: Sn. v. 425: Ādiccā nāma gottena, sākiyā nāma jātiyā (Dòng họ thuộc Mặt Trời, sanh tộc là Thích-ca), HT. Thích Minh Châu dịch. Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.313. 0090b27). Tham chiếu: S. 35.152 - IV. 138.

[2] Nguyên tác: Dị tín, dị dục, dị văn, dị hành tư duy, dị kiến thẩm đế nhẫn (異信, 異欲, 異聞, 異行思惟, 異見審諦忍). Xem Tạp. 雜 (T.02. 0099.351. 0098c04): Dị tín, dị dục, dị văn, dị hành giác tưởng, dị kiến phiên đế nhẫn (異信, 異欲, 異聞, 異行覺想, 異見審諦忍). Ni-kiền kinh 尼乾經 (T.01. 0026.19. 0443c12): Tín, nhạo, văn, niệm, kiến thiện quán (信, 樂, 聞, 念, 見善觀), nghĩa là lòng thành tín, sự ưa thích, nghe theo truyền thống, biết suy tư, thẩm sát để tiếp thọ.

[3] Tham chiếu: S. 35.152 - IV. 138: Có pháp môn nào, do pháp môn ấy, Tỷ-kheo ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp (ākāra-parivitakka), ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận (diṭṭhinijjānakhanti), có thể xác chứng chánh trí; vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã được thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa?” (HT. Thích Minh Châu dịch). 37 Nguyên tác: Giác (覺), chỉ cho giác tưởng (vitakka).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.