Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 13

304. BA MƯƠI SÁU PHÁP[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa trong dân chúng Câu-lâu, ngụ tại thôn Điều Ngưu.2  Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Ta sẽ thuyết pháp cho các thầy nghe. Những pháp ấy phần đầu, phần giữa và phần cuối đều thiện, nghĩa lý sâu xa, ngôn từ chuẩn xác, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch.[2] Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Có ba mươi sáu pháp. Là ba mươi sáu pháp nào? Đó là sáu căn, sáu trần, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân và sáu ái thân.

Sáu căn là gì? Đó là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn. Sáu trần là gì? Đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp trần. Sáu thức thân là gì? Là nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Sáu xúc thân là gì? Đó là nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc. Sáu thọ thân là gì? Đó là thọ do nhãn xúc sanh ra, thọ do nhĩ xúc sanh ra, thọ do tỷ xúc sanh ra, thọ do thiệt xúc sanh ra, thọ do thân xúc sanh ra và thọ do ý xúc sanh ra. Sáu ái thân là gì? Đó là ái do nhãn xúc sanh, ái do nhĩ xúc sanh, ái do tỷ xúc sanh, ái do thiệt xúc sanh, ái do thân xúc sanh và ái do ý xúc sanh.

Nếu có người cho rằng “mắt là ngã”,[3] điều đó không đúng. Vì sao như vậy? Vì mắt có sanh có diệt. Nếu “mắt là ngã” thì cái “ngã” ấy phải chịu sanh tử. Cho nên, nếu nói rằng mắt là ngã, điều đó không đúng.

Cũng vậy, những pháp như sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ do nhãn xúc sanh ra, nếu chúng là “ngã”, điều đó không đúng. Vì sao như vậy? Vì thọ do nhãn xúc sanh ra là pháp sanh diệt. Nếu thọ do nhãn xúc sanh ra là “ngã” thì cái “ngã” ấy phải chịu sự sanh tử. Cho nên nói rằng thọ do nhãn xúc sanh ra là “ngã”, điều đó không đúng.

 

Do đó, thọ do nhãn xúc sanh ra không phải là “ngã.” Cũng vậy, thọ do nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc sanh ra đều không phải là “ngã.” Vì sao như vậy? Vì thọ do ý xúc sanh ra là pháp sanh diệt, nếu thọ đó là “ngã” thì cái “ngã” ấy lại phải chịu sự sanh tử. Cho nên, thọ do ý xúc sanh ra là “ngã”, điều đó không đúng. Vậy nên, thọ do ý xúc sanh ra không phải là “ngã.”

Như vậy, này các Tỳ-kheo! Cần phải biết đúng như thật về sự tác thành của mắt, sự tác thành của trí, sự tác thành của tịch diệt, khai mở thần thông, thẳng đến Niết-bàn.

Thế nào là thấy biết đúng như thật về sự tác thành của mắt,... (cho đến) thẳng đến Niết-bàn? Ở đây, này các Tỳ-kheo! Mắt chẳng phải là ngã. [Những pháp như] sắc, nhãn thức, nhãn xúc và nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui, tất cả chúng phải được quán sát chẳng phải là ngã. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng nói như vậy. Đó gọi là thấy biết đúng như thật về sự tác thành của mắt,... (cho đến) thẳng đến Niết-bàn.

Đó gọi là Kinh ba mươi sáu pháp.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đức Phật dạy trong kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.304. 0086c23). Tham chiếu từ Tạp. 雜 (T.02. 0099.323. 0091c23) cho đến Tạp. 雜 (T.02. 0099.327. 0092a13); Tạp. 雜 (T.02. 0099.330. 0092a28); M. 148, Chachakka Sutta (Kinh sáu sáu); S. 35.60 - IV. 32.  2 Điều Ngưu tụ lạc (調牛聚落).

[2] Nguyên tác: Sơ trung hậu thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất mãn tịnh, Phạm hạnh thanh bạch (初中後善, 善義, 善味, 純一滿淨, 梵行清白). Xem chú thích 94, kinh số 53, quyển 2, tr. 55; Tạp. 雜 (T.02. 0099.53. 0012c04).

[3] Nguyên tác: Nhãn thị ngã (眼是我, cakkhu attāti): Mắt là tự ngã.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.