Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05


QUYỂN 12

291. SỰ TIẾP XÚC NỘI TÂM[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Ta đã nói về sự tiếp xúc nội tâm,[2] các thầy có nắm bắt được chăng?

Khi ấy, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh sửa y phục, cúi lạy sát chân Phật rồi chắp tay thưa rằng:

_ Bạch Thế Tôn! Con đã nắm bắt được về sự tiếp xúc nội tâm mà Ngài giảng dạy.

Rồi Tỳ-kheo ấy đối trước Phật trình bày như vậy như vậy, nhưng Thế Tôn vẫn không hài lòng.

Bấy giờ, đức Phật nói với Tôn giả A-nan đang cầm quạt đứng hầu phía sau:

_ Sự tiếp xúc nội tâm theo giáo pháp của Hiền thánh khác với những gì Tỳkheo này vừa nói.

A-nan thưa Phật:

_ Bạch Thế Tôn! Nay thật đúng thời. Cúi xin Thế Tôn vì chúng Tỳ-kheo mà dạy về sự tiếp xúc nội tâm theo giáo pháp của Hiền thánh! Các Tỳ-kheo nghe xong sẽ vâng giữ phụng hành.

Đức Phật bảo A-nan:

_ Lành thay! Hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho các thầy nghe. Các Tỳ-kheo nắm bắt sự tiếp xúc nội tâm nên khởi tư duy như vầy: “Có những nỗi khổ đau khởi lên mà chúng sanh phải gánh chịu, thế thì những khổ đau này do cái gì làm nhân, do cái gì làm tập khởi, do cái gì mà tác sanh, do cái gì làm hiện hữu?”[3] Khi nắm bắt như vậy, nên biết rằng những nỗi khổ đau này đều do sanh y làm nhân,[4] do sanh y làm tập khởi, do sanh y mà tác sanh, do sanh y làm hiện hữu.

Lại nữa, này Tỳ-kheo, với sự tiếp xúc nội tâm thì sanh y lấy cái gì làm nhân, lấy cái gì làm tập khởi, lấy cái gì làm tác sanh, lấy cái gì làm hiện hữu? Khi nắm bắt như vậy, nên biết rằng sanh y do ái làm nhân, do ái tập khởi, do ái tác sanh, do ái hiện hữu.

Lại nữa, Tỳ-kheo, khi nắm bắt sự tiếp xúc nội tâm, sẽ biết ái do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì tác sanh, do cái gì hiện hữu. Khi nắm bắt như vậy, nên biết rằng thế gian quan niệm sắc là đẹp đẽ và thật có, tại chỗ đó, ái sanh càng sanh thêm, ái bám vào càng bám chặt, ái trú vào càng thêm trú.

Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc được thế gian quan niệm đẹp đẽ và thật có ấy mà khởi tưởng là thường, là hằng, là an ổn, là không bệnh, là ta, là của ta; với cái thấy ấy thì đối với sắc này ái càng tăng trưởng, khi ái đã tăng trưởng thì sanh y càng tăng trưởng, khi sanh y đã tăng trưởng thì khổ càng tăng trưởng, khi khổ đã tăng trưởng thì không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Ta nói vị ấy không giải thoát khỏi khổ.

Ví như bên đường có ao nước trong mát, có mùi vị ngon ngọt, nhưng có người bỏ chất độc trong đó. Vào tháng mùa xuân, người đi đường mệt và khát vì nóng bức, liền tranh nhau xuống ao uống nước. Khi ấy, có người nói rằng: “Này các anh, ao nước trong mát kia dù có mùi vị ngon ngọt, nhưng trong đó có độc, các anh không nên uống. Nếu uống vào sẽ chết, hoặc khổ như sắp chết.” Thế mà, những kẻ khát nước kia không tin, vẫn cứ uống, tuy có đỡ khát nhưng chốc lát bị chết, hoặc bị khổ như sắp chết. Cũng vậy, các Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc được thế gian quan niệm đẹp đẽ và thật có ấy mà thấy là thường, là hằng, là an ổn, là không bệnh, là ta, là của ta,... (cho đến) không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc đẹp được thế gian quan niệm là đẹp đẽ và thật có ấy mà quán sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại, vô thường, khổ, không, vô ngã thì đối với ái này ắt được xa lìa. Vì xa lìa được ái nên xa lìa được sanh y; vì xa lìa được sanh y nên xa lìa khỏi khổ, đã xa lìa khỏi khổ nên xa lìa được sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

Ví như bên đường có ao nước trong mát, có mùi vị ngon ngọt, nhưng có người bỏ chất độc vào trong đó. Vào tháng mùa xuân, người đi đường mệt và khát vì nóng bức, liền tranh nhau xuống ao uống nước. Khi ấy, có người nói rằng: “Này các anh, ao nước trong mát kia dù có mùi vị ngon ngọt, nhưng trong đó có độc, các anh không nên uống. Nếu uống vào sẽ chết, hoặc khổ như sắp chết.” Những người kia suy nghĩ: “Nước này có chất độc, nếu ta uống vào sẽ chết, hoặc khổ như sắp chết, thôi thì ta cố nhịn khát, ăn miếng lương khô, không dám uống nước.”

Cũng vậy, các Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc đẹp được thế gian quan niệm là đẹp đẽ và thật có ấy mà quán sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại, vô thường, khổ, không, vô ngã,... (cho đến) giải thoát khỏi sự sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

 Thế nên, này A-nan! Đối với pháp này thấy như vậy, nghe như vậy, cảm nhận như vậy, biết như vậy; đối với quá khứ, vị lai cũng theo như phương pháp này mà quán sát như vậy.

Đức Phật nói kinh này rồi, các Tỳ-kheo khi nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.291. 0082a28). Tham chiếu: S. 12.66 - II. 107.

[2] Nguyên tác: Nội xúc pháp (內觸法). Theo S. 12.66 - II. 107: “Sammasatha no tumhe, bhikkhave, antaraṃ sammasa”nti. (Này các Tỷ-kheo, các ông có nắm giữ với nội xúc hay không?), HT. Thích Minh Châu dịch.

[3] Nguyên tác: Hà xúc (何觸). Đoạn kinh bên dưới ghi là chuyển (轉). Theo Thành duy thức luận thuật ký 成唯識論述記 (T.43. 1830.1. 0238a24), “chuyển” (轉) có nghĩa là sự hiện khởi (轉是起義), giống như nghĩa hiện hữu (bhava). Tham chiếu: S. 12.66 - II. 107: Idaṃ kho dukkhaṃ upadhinidānaṃ upadhisamudayaṃ upadhijātikaṃ upadhipabhavaṃ (Sự đau khổ này lấy sanh y làm nhân, lấy sanh y làm tập khởi, lấy sanh y làm tác sanh, lấy sanh y làm hiện hữu), HT. Thích Minh Châu dịch.

[4] Nguyên tác: Ức-ba-đề (億波提), phiên âm từ upadhi, có nghĩa là bản thể của sự tái sanh, sanh y.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.