Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05


QUYỂN 12

290. THÁNH ĐỆ TỬ ĐA VĂN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, trong vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết tuy đối với thân tứ đại có thể chán ghét, ly dục, xả bỏ, nhưng đối với thức thì không thể. Vì sao như vậy? Vì họ thấy thân tứ đại có tăng, có giảm, có thủ, có xả, nhưng đối với tâm, ý, thức thì hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết không thể chán ghét, ly dục, giải thoát. Vì sao như vậy? Vì từ bao đời nay, họ nâng niu yêu quý, chấp chặt vào đây, hoặc đắc, hoặc thủ, rồi cho rằng: “Đây là ta, đây là sở hữu của ta, tồn tại trong nhau.” Cho nên hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết ấy không thể đối với tâm, ý, thức đây mà chán ghét, ly dục, giải thoát.

Này các Tỳ-kheo! Hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết thà đối với thân tứ đại chấp là ta, là của ta, chứ không nên đối với thức chấp là ta, là của ta. Vì sao như vậy? Vì dù sao sắc thân tứ đại cũng có thể tồn tại được mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm cho đến trăm năm rồi mới mất đi, hoặc lâu hơn chút nữa, chứ còn tâm, ý, thức kia chuyển biến từng ngày, từng đêm, từng giờ, từng khắc, trong chốc lát, thoạt sanh thoạt diệt. Ví như con vượn rong chơi trong rừng, thoáng chốc ở nơi này, chợt thoắt ở nơi kia, chuyền từ cành này sang cành khác, buông cành này nắm cành kia. Tâm, ý, thức kia cũng lại như vậy, thoạt sanh thoạt diệt.

Vị Thánh đệ tử đa văn đối với pháp duyên khởi khéo tư duy quán sát như vầy: “Lạc xúc làm duyên sanh ra lạc thọ, khi cảm nhận lạc thọ thì biết như thật đang cảm nhận lạc thọ; khi lạc xúc kia diệt thì lạc thọ do lạc xúc làm duyên sanh ra ấy cũng diệt, dừng lắng, vắng lặng, ngưng nghỉ, mất đi. Cũng như lạc thọ, các thọ được sanh bởi các duyên như khổ xúc, hỷ xúc, ưu xúc, xả xúc cũng vậy. Do xả xúc làm duyên nên sanh ra xả thọ, khi cảm nhận xả thọ liền biết như thật đang cảm nhận xả thọ; khi xả xúc kia diệt thì xả thọ do xả xúc làm duyên sanh ra ấy cũng diệt, dừng lắng, vắng lặng, ngưng nghỉ, biến mất.”

Ví như hai khúc cây cọ xát vào nhau sẽ phát ra lửa, nếu tách rời hai khúc cây ấy ra thì lửa tắt ngấm. Cũng vậy, các thọ do xúc làm duyên mà tập khởi, do xúc mà sanh ra, do xúc mà tập khởi. Nếu xúc thế này thế kia tập khởi thì thọ thế này thế kia cũng tập khởi; nếu xúc thế này thế kia tập khởi rồi diệt thì thọ thế này thế kia cũng tập khởi rồi cũng diệt, dừng lắng, vắng lặng, ngưng nghỉ, biến mất.

Khi vị Thánh đệ tử đa văn quán sát như vậy, đối với sắc được giải thoát; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng được giải thoát; đối với sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não cũng được giải thoát. Ta nói vị ấy đối với khổ đã được giải thoát.

Đức Phật nói kinh này rồi, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.290. 0082a01). Tham chiếu: S. 12.62 - II. 95.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.