Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 12
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Ta nhớ về kiếp trước, khi chưa thành Chánh giác, sống một mình nơi thanh vắng, chuyên tâm thiền tọa, khởi niệm như vầy: “Do có pháp gì mà có già, chết? Do pháp gì làm duyên mà có già, chết?” Ta liền tư duy chân chánh rồi khởi sanh hiểu biết sáng suốt, như thật:[2] “Do có sanh nên có già, chết; do sanh làm duyên nên có già, chết; cho đến hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập, danh sắc cũng đều như vậy.”
Rồi lại khởi niệm: “Do có pháp gì mà có danh sắc? Do pháp gì làm duyên mà có danh sắc?” Ta liền tư duy chân chánh rồi khởi sanh hiểu biết sáng suốt, như thật: “Do có thức nên có danh sắc, do thức làm duyên nên có danh sắc.”
Khi Ta tư duy như vậy, đến thức rồi trở lại, không thể vượt qua;[3] nghĩa là do thức làm duyên nên có danh sắc, do danh sắc làm duyên nên có sáu nhập xứ, do sáu nhập xứ làm duyên nên có xúc, do xúc làm duyên nên có thọ, do thọ làm duyên nên có ái, do ái làm duyên nên có thủ, do thủ làm duyên nên có hữu, do hữu làm duyên nên có sanh, do sanh làm duyên nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, như thế tụ thành một khối khổ lớn.
Rồi Ta lại khởi niệm: “Do không có pháp gì mà không có già, chết? Do pháp gì diệt mà già, chết diệt?” Ta liền tư duy chân chánh rồi khởi sanh hiểu biết sáng suốt, như thật: “Do không có sanh nên không có già, chết, do sanh diệt nên già, chết diệt. Cũng như vậy đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành.”
Ta lại tư duy: “Do không có pháp gì mà không có hành? Do pháp gì diệt mà hành diệt?” Ta liền tư duy chân chánh rồi khởi sanh hiểu biết sáng suốt, như thật: “Do không có vô minh nên không có hành, do vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu nhập xứ diệt, sáu nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt, như thế là toàn bộ khối khổ lớn đều diệt.”
Rồi Ta khởi niệm như vầy: “Ta thấy được con đường xưa của Tiên nhân, thấy được lối mòn xưa của Tiên nhân, thấy được dấu chân xưa của Tiên nhân. Bậc Tiên nhân xưa kia đã từng đặt chân trên con đường này, nay Ta cũng bước theo lối ấy.”
Ví như có người đi giữa đồng hoang, vạch lối tìm đường, bỗng nhiên nhìn thấy đường cũ mà người xưa đã từng qua lại, liền theo đó mà đi, tiến dần về phía trước, thấy có thành ấp cũ, cung điện vua xưa, vườn cảnh, hồ tắm, rừng cây mát mẻ. Người ấy suy nghĩ: “Bây giờ, ta nên tâu cho nhà vua biết.” Rồi người ấy liền đến thưa: “Đại vương nên biết! Vừa rồi thần đi giữa đồng hoang, vạch lối tìm đường, bỗng thấy con đường cũ mà người xưa từng qua lại, thần liền lần theo, thấy có thành ấp cũ, cung điện vua xưa, vườn cảnh, hồ tắm, suối rừng trong xanh. Đại vương có thể đến sống trong đó.” Nghe xong, vua liền đến đó, ngự lại nơi đó, sung túc an ổn, nhân dân thịnh vượng.
Nay Ta cũng như vậy, đã gặp được con đường xưa của Tiên nhân, lối mòn xưa của Tiên nhân, dấu chân xưa của Tiên nhân. Bậc Tiên nhân xưa kia đã đi qua đường này, nay Ta cũng bước theo. Con đường đó chính là Thánh đạo tám chi, gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Ta theo con đường đó mới thấy được già, bệnh, chết; già, bệnh, chết tập khởi; già, bệnh, chết chấm dứt; con đường đưa đến chấm dứt già, bệnh, chết. Thấy được sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành; hành tập khởi, hành chấm dứt và con đường đưa đến chấm dứt hành. Ta đối với pháp này, tự biết, tự ngộ, thành bậc Giác Ngộ Viên Mãn rồi khai thị, diễn thuyết cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưubà-di và cả các Sa-môn ngoại đạo, Bà-la-môn, tại gia, xuất gia. Bốn chúng ấy nghe pháp rồi, hướng về chân chánh,[4] tin tưởng ngưỡng mộ, biết rõ pháp thiện, Phạm hạnh tăng trưởng, được nhiều lợi ích.
Đức Phật nói kinh này rồi, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.287. 0080b24). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.38.4. 0718a13); Tăng. 增 (T.02. 0125.48.4. 0790a07); S. 12.65 - II. 104.
[2] Nguyên tác: Sanh như thật vô gián đẳng (生如實無間等). Xem chú thích 5, kinh số 285, quyển 12, tr. 336; Tạp. 雜 (T.02. 0099.285. 0079c27).
[3] Nguyên tác: Tề thức nhi hoàn, bất năng quá bỉ (齊識而還, 不能過彼). Theo S. 12.65 - II. 104: Paccudāvattati kho idaṃ viññāṇaṃ nāmarūpamhā na paraṃ gacchati (Thức này trở lui, không đi xa hơn danh sắc), HT. Thích Minh Châu dịch.
[4] Nguyên tác: Chánh hướng (正向). P. ujuppaṭipanna (hướng về sự chân chánh).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.