Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 12

285. CHỖ NƯƠNG TỰA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Ta nhớ về kiếp trước, khi chưa thành Chánh giác, sống một mình nơi thanh vắng, chuyên tâm thiền tọa, khởi niệm như vầy: Thế gian chìm trong khổ nạn, đó là sanh, già, bệnh, chết, biến đổi, thọ sanh...; thế nhưng đối với sự sanh, già, bệnh, chết ấy và chỗ nương tựa[2] thì chúng sanh lại không biết như thật.

 Ta lại nghĩ: “Do có pháp gì mà có sanh? Do pháp gì làm duyên mà có sanh?” Ta liền tư duy chân chánh rồi phát sanh sự hiểu biết sáng suốt:[3] “Do có hữu nên có sanh, do hữu làm duyên nên có sanh.”

Ta lại tư duy: “Do có pháp gì mà có hữu? Do pháp gì làm duyên mà có hữu?” Ta liền tư duy chân chánh rồi phát sanh hiểu biết sáng suốt, như thật: “Do có thủ nên có hữu, do thủ làm duyên nên có hữu.”

Ta lại nghĩ rằng: “Thủ lại do duyên nào, pháp nào mà có thủ? Do pháp nào làm duyên mà có thủ?” Ta liền tư duy chân chánh rồi phát sanh hiểu biết sáng suốt, như thật: “Đối với pháp chấp thủ mà tham đắm, đoái tưởng, tâm dính mắc thì ái dục tăng trưởng; do có ái kia nên có thủ, tức do ái làm duyên nên có thủ, thủ làm duyên nên có hữu, hữu làm duyên nên có sanh, sanh làm duyên nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, như thế tụ thành một khối khổ lớn.”

Này các Tỳ-kheo! Ý các thầy nghĩ sao? Ví như nhờ có dầu và tim mà đèn được thắp sáng; có phải cứ thêm dầu và tim thì đèn kia được sáng lâu chăng?

Các Tỳ-kheo đáp:

_ Đúng vậy, bạch Thế Tôn!

_ Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Đối với pháp chấp thủ mà tham đắm, đoái tưởng, tâm dính mắc thì ái dục tăng trưởng; do có ái kia nên có thủ, tức do ái làm duyên nên có thủ, thủ làm duyên nên có hữu, hữu làm duyên nên có sanh, sanh làm duyên nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, như thế tụ thành một khối khổ lớn.

Lúc ấy, Ta lại nghĩ: “Do không có pháp nào mà không có già, bệnh, chết này? Do pháp nào diệt mà già, bệnh, chết diệt?” Ta liền tư duy chân chánh rồi phát sanh hiểu biết sáng suốt, như thật: “Do không có sanh nên không có già, bệnh, chết; nếu sanh diệt thì già, bệnh, chết đều diệt.”

Ta lại nghĩ: “Do không có pháp nào mà không có sanh? Do pháp nào diệt mà sanh diệt?” Ta liền tư duy chân chánh rồi phát sanh hiểu biết sáng suốt, như thật: “Do không có hữu nên không có sanh, do hữu diệt nên sanh diệt.”

Ta lại tư duy: “Do không có pháp nào mà không có hữu? Do pháp nào diệt mà hữu diệt?” Ta liền tư duy chân chánh rồi phát sanh hiểu biết sáng suốt, như thật: “Do không có thủ nên không có hữu, do thủ diệt nên hữu diệt.”

Ta lại nghĩ: “Do không có pháp nào mà không có thủ? Do pháp nào diệt mà thủ diệt?” Ta liền tư duy chân chánh rồi phát sanh hiểu biết sáng suốt, như thật: “Đối với pháp bị chấp thủ mà quán vô thường, sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả ly, tâm không đoái tưởng, tâm không dính mắc thì ái liền diệt; do ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não diệt, như thế toàn bộ khối khổ lớn đều diệt.”

Này các Tỳ-kheo! Ý các thầy nghĩ sao? Ví như nhờ có dầu và tim mà ngọn đèn được thắp sáng; nếu không thêm dầu và tim, chẳng phải đèn kia về sau không thể sáng tiếp mà sẽ bị tắt mất ư?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

_ Đúng vậy, thưa Thế Tôn!

_ Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Đối với pháp chấp thủ mà quán vô thường, sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả ly, tâm không đoái tưởng, tâm không tham đắm thì ái liền diệt; ái diệt thì thủ diệt,... (cho đến) một khối khổ lớn cũng diệt.

Đức Phật nói kinh này rồi, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.285. 0079c27). Tham chiếu: S. 12.10 - II. 10; S. 12.53 - II. 86; S. 12.54 - II. 87.

[2] Nguyên tác: Sở y (所依): Chỗ mà sanh, bệnh, lão, tử... nương vào để hiện khởi và tồn tại.

[3] Nguyên tác: Vô gián đẳng (無間等), là sự thấy rõ tường tận, được dịch từ Pāli là “abhisamaya”, nghĩa là sự sáng suốt, thông tuệ, thông đạt, tuệ thể nhập. HT. Thích Minh Châu dịch là “thắng tri.”

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.