Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 12

284. VÍ DỤ VỀ CỘI CÂY LỚN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Nếu đối với pháp chấp thủ mà sanh tâm đắm trước vị ngọt, đoái tưởng, dính mắc vào đó, tâm sẽ rong ruổi tìm cầu danh sắc; duyên danh sắc có sáu nhập xứ, duyên sáu nhập xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Cứ như thế tụ thành một khối khổ lớn. Ví như cội cây lớn đủ gốc, thân, cành, nhánh, lá, hoa, quả; rễ nó cắm sâu vào đất, lại thường được vun gốc, bón phân, tưới nước đầy đủ, cội cây ấy vững chắc, trọn đời không hư mục. Cũng thế, này các Tỳ-kheo! Đối với pháp bị chấp thủ mà còn sanh tâm đắm trước vị ngọt, đoái tưởng, dính mắc vào đó, tâm rong ruổi chạy theo danh sắc; duyên danh sắc có sáu nhập xứ, duyên sáu nhập xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, như thế tụ thành một khối khổ lớn.

Nếu đối với pháp chấp thủ mà tùy thuận quán vô thường, trú trong pháp quán sanh diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán nhàm chán, tâm không đoái tưởng, không dính mắc, thức không rong ruổi tìm cầu danh sắc thì danh sắc diệt; danh sắc diệt thì sáu nhập xứ diệt, sáu nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não diệt, như thế là toàn bộ khối khổ lớn ấy đều diệt. Ví như việc trồng cây, ban đầu cây còn nhỏ yếu, nếu không chăm sóc che chắn, không vun gốc bón phân, không tùy thời tưới nước, không điều tiết nóng lạnh thì cây ấy không thể lớn được; đã thế còn chặt gốc, chặt cành, cắt ra từng đoạn, chia ra từng phần phơi giữa nắng gió, hay dùng lửa thiêu rụi, đốt cháy thành tro, rồi để gió lốc thổi tung, hoặc quăng xuống nước. Này các Tỳ-kheo! Ý ông nghĩ sao? Phải chăng cây ấy đã bị chặt gốc cho đến bị thiêu rụi, khiến cây hoại diệt, trở thành thứ sau này không thể sanh trở lại chăng?

_ Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!

_ Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Đối với pháp chấp thủ mà tùy thuận quán vô thường, trú trong pháp quán sanh diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán nhàm chán, tâm không đoái tưởng, không dính mắc, thức không rong ruổi tìm cầu danh sắc thì danh sắc diệt; danh sắc diệt thì sáu nhập xứ diệt, sáu nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não diệt, như thế toàn bộ khối khổ lớn ấy đều diệt.

Đức Phật nói kinh này rồi, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.284. 0079b23). Tham chiếu: S. 12.55 - II. 87; S. 12.56 - II. 88; S. 12.58 - II. 90.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.