Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05
QUYỂN 12
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại một nhà khách trong rừng sâu thuộc làng Na-lê.[2]
Bấy giờ, Tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên[3] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, đứng sang một bên rồi bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Như Ngài đã nói về chánh kiến. Vậy thế nào là chánh kiến? Vì sao Thế Tôn thiết lập chánh kiến?
Phật dạy Tán-đà Ca-chiên-diên:
_ Thế gian thường y cứ vào hai cực đoan, đó là có và không, bị chấp thủ bởi xúc. Vì bị chấp thủ bởi xúc, cho nên hoặc y cứ vào có, hoặc y cứ vào không.
Nếu không có sự chấp thủ này thì khi tâm bị cảnh trói buộc sẽ không còn bị chấp thủ, không dính mắc, không chấp ngã, khi khổ sanh thì sanh, khi khổ diệt thì diệt. Đối với điều này không nghi ngờ, không mê hoặc, không do người khác mà tự mình biết rõ thì gọi là chánh kiến. Đó gọi là chánh kiến do Như Lai thiết lập.[4]
Vì sao như vậy? Bằng chánh kiến như thật mà quán sát sự tập khởi của thế gian, nếu cho rằng thế gian là không thì không đúng; bằng chánh kiến như thật mà quán sát sự diệt tận của thế gian, nếu cho rằng thế gian là có thì cũng không đúng. Đây gọi là lìa nhị biên mà nói trung đạo, nghĩa là: “Do cái này có nên cái kia có, do cái này sanh[5] nên cái kia sanh, tức là do vô minh mà có hành,... (cho đến) toàn bộ khối khổ lớn này tập khởi. Do vô minh diệt mà hành diệt,... (cho đến) toàn bộ khối khổ lớn này diệt.”
Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên nghe lời Phật dạy, không khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát, thành tựu quả A-la-hán. ***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.301. 0085c17). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.262. 0066b06); S. 12.15 - II. 17; S. 22.90 - III. 132.
[2] Na-lê tụ lạc thâm lâm trung đãi khách xá (那梨聚落深林中待賓舍). Địa danh này trong Tạp. 雜
(T.02. 0099.926. 0235c27) ghi là Na-lê tụ lạc thâm cốc tinh xá (那梨聚落深谷精舍); trong Tạp. 雜 (T.02. 0099.1037. 0270c12) ghi là Na-lê tụ lạc khúc cốc tinh xá (那梨聚落曲谷精舍); D. 16 ghi là Nādikā Giñjakāvasatha (một nhà khách xây bằng gạch).
[3] Tán-đà Ca-chiên-diên (𨅖陀迦旃延, Sandha Kaccāyana).
[4] Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.262. 0066c26-0067a01): Sự điên đảo của người đời dựa vào hai cực đoan: Hoặc là có, hoặc là không. Khi người đời chấp thủ các cảnh giới thì tâm liền dính mắc. Này Ca-chiên-diên! Nếu không thọ nhận, không chấp thủ, không dính mắc, không chấp ngã thì khi khổ này sanh là sanh, khi [khổ này] diệt là diệt. Này Ca-chiên-diên! Đối với điều này không nghi ngờ, không mê hoặc, không do người khác mà có thể tự biết, đó gọi là chánh kiến mà Như Lai đã nói. (世人顛倒依於二邊, 若有, 若無, 世人取諸境界, 心便計著. 迦旃延! 若不受, 不取, 不住, 不計於我, 此苦生時生, 滅時滅. 迦旃延! 於此不疑, 不惑, 不由於他而能自知, 是名正見, 如來所說).
[5] Nguyên tác: Khởi (起).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.