Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05


QUYỂN 12

298. PHÁP THUYẾT, NGHĨA THUYẾT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú trong dân chúng Câu-lưu, tại làng Điều Ngưu.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Hôm nay, Ta sẽ nói pháp thuyết, nghĩa thuyết về pháp duyên khởi. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ nói cho các thầy nghe.

Thế nào là pháp thuyết về pháp duyên khởi? Nghĩa là do cái này có nên cái kia có, do cái này khởi nên cái kia khởi; tức là duyên vô minh nên có hành,... (cho đến) tụ thành một khối khổ lớn. Đó gọi là pháp thuyết về pháp duyên khởi.

Thế nào là nghĩa thuyết? Duyên vô minh nên có hành. Thế nào là vô minh? Chẳng biết đời trước, chẳng biết đời sau, chẳng biết đời trước đời sau; chẳng biết trong, chẳng biết ngoài, chẳng biết trong ngoài; chẳng biết nghiệp, chẳng biết báo, chẳng biết nghiệp báo; chẳng biết Phật, chẳng biết Pháp, chẳng biết Tăng; chẳng biết khổ, chẳng biết tập, chẳng biết diệt, chẳng biết đạo; chẳng biết nhân, chẳng biết pháp sanh khởi bởi nhân; chẳng biết thiện, bất thiện, có tội, không tội, tập khởi, không tập khởi, hơn, kém nhiễm ô, thanh tịnh, phân biệt duyên khởi, hết thảy đều không biết; đối với sáu căn không nhận biết đúng như thật; đối với pháp này pháp kia không biết, không thấy, không thông tuệ, si ám, tối tăm, mù mịt. Đó gọi là vô minh.

Duyên vô minh nên có hành. Thế nào là hành? Hành gồm có ba: Thân hành, khẩu hành và ý hành.

Duyên hành nên có thức. Thế nào là thức? Là sáu thức thân: Nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân và ý thức thân.

Duyên thức nên có danh sắc. Thế nào là danh? Là bốn uẩn vô sắc: Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Thế nào là sắc? Đó là bốn đại và sắc do bốn đại tạo thành, gọi là sắc. Sắc này và danh đã nói ở trước, gọi chung là danh sắc.

Duyên danh sắc nên có sáu nhập xứ. Thế nào là sáu nhập xứ? Còn gọi là sáu nội nhập xứ: Nhãn nhập xứ, nhĩ nhập xứ, tỷ nhập xứ, thiệt nhập xứ, thân nhập xứ và ý nhập xứ.

Duyên sáu nhập xứ nên có xúc. Thế nào là xúc? Đó là sáu xúc thân: Nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân.

Duyên xúc nên có thọ. Thế nào là thọ? Có ba thọ: Khổ thọ, lạc thọ và không khổ không lạc thọ.

Duyên thọ nên có ái. Thế nào là ái? Có ba ái: Dục ái, sắc ái và vô sắc ái.

Duyên ái nên có thủ. Thế nào là thủ? Có bốn thủ: Dục thủ, kiến thủ, giới thủ và ngã thủ.

Duyên thủ nên có hữu. Thế nào là hữu? Có ba hữu: Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

Duyên hữu nên có sanh. Thế nào là sanh? Mỗi mỗi chúng sanh có mỗi mỗi loại thân sanh ra, siêu việt, hòa hợp, xuất sanh, được ấm, được giới, được nhập xứ, được mạng căn, đó gọi là sanh.

Duyên sanh nên có già, chết. Thế nào là già? Tóc bạc đầu hói, da nhăn, căn suy, lưng còng, gối mỏi, đầu cúi run rẩy, hơi thở hụt ngắn, đi phải chống gậy, thân thể đen sạm, tứ chi nổi đồi mồi, ám độn lú lẫn, cử động khó khăn, chậm chạp, đó gọi là già. Thế nào là chết? Mỗi mỗi chúng sanh có mỗi mỗi loại thân mất đi, thay đổi, hoại diệt, tuổi thọ chấm hết, hơi ấm lìa thân, mạng sống chấm dứt, đã đến lúc xả bỏ thân uẩn, đó gọi là chết. Chết ở đây và già đã nói ở trước, gọi chung là già chết. Trên đây chính là nghĩa thuyết về pháp duyên khởi.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.298. 0085a11). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.49.5. 0797b14); S. 12.1 - II. 1; S. 12.2 - II. 2. 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.