Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05
QUYỂN 12
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú trong dân chúng Câu-lưu, tại làng Điều Ngưu.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Ta sẽ vì các thầy mà thuyết pháp, phần đầu, phần giữa và phần cuối đều thiện, nghĩa lý sâu xa,[2] ngôn từ chuẩn xác,[3] thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch, đó gọi là Kinh đại không pháp.49 Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ nói cho các thầy nghe.
Thế nào là Kinh đại không pháp? Đó là, do cái này có nên cái kia có, do cái này khởi nên cái kia khởi; nghĩa là duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, duyên thức nên có danh sắc, duyên danh sắc nên có sáu nhập xứ, duyên sáu nhập xứ nên có xúc, duyên xúc nên có thọ, duyên thọ nên có ái, duyên ái nên có thủ, duyên thủ nên có hữu, duyên hữu nên có sanh, duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não,... (cho đến) tụ thành một khối khổ lớn.
Do duyên sanh nên có già chết. Nếu có người hỏi: “Ai già chết? Già chết thuộc về ai?” thì đáp rằng: “Ngã tức là già chết, già chết nay thuộc về ngã, già chết là ngã sở.” Hoặc nói: “Mạng tức là thân”; hoặc nói: “Mạng khác, thân khác”; đây đồng một nghĩa nhưng cách nói khác nhau. Hoặc thấy rằng: “Mạng tức là thân”, bậc Phạm hạnh không thấy như vậy. Hoặc thấy rằng: “Mạng khác, thân khác”, bậc Phạm hạnh cũng không thấy như vậy. Đối với hai cực đoan ấy, tâm không nương theo mà nên chân chánh hướng theo trung đạo. Bậc Hiền thánh xuất thế, với chánh kiến như thật không điên đảo đã nói rằng do duyên sanh nên có già chết. Cũng như vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành; do duyên vô minh nên có hành.
Nếu lại hỏi: “Ai là hành? Hành thuộc về ai?” thì đáp rằng: “Hành chính là ngã, hành là ngã sở.” Hoặc nói như vầy: “Mạng tức là thân”; hoặc nói: “Mạng khác, thân khác.” Với cái thấy “mạng tức là thân”, bậc Phạm hạnh không cho là vậy. Hoặc với cái thấy “mạng khác, thân khác”, bậc Phạm hạnh cũng không cho là vậy. Nên lìa hai cực đoan này, phải chân chánh hướng đến trung đạo. Bậc Hiền thánh xuất thế, với chánh kiến như thật không điên đảo đã nói rằng do duyên vô minh nên có hành.
Này các Tỳ-kheo! Nếu đối với vô minh mà ly dục nên sanh khởi minh thì cần gì hỏi ai là già chết, già chết thuộc về ai nữa! Khi ấy, già chết được đoạn dứt và biết rằng đã đoạn tận gốc rễ của chúng, như chặt đứt ngọn cây đa-la thì ở đời sau chúng trở thành pháp bất sanh.
Nếu Tỳ-kheo đối với vô minh mà ly dục nên sanh khởi minh thì cần gì hỏi ai là sanh và sanh thuộc về ai nữa! Cho đến cần gì hỏi ai là hành và hành thuộc về ai nữa! Khi ấy, hành được đoạn dứt và biết rằng đã đoạn tận gốc rễ của chúng, như chặt đứt ngọn cây đa-la thì ở đời sau chúng trở thành pháp bất sanh.
Nếu Tỳ-kheo đối với vô minh mà ly dục nên sanh khởi minh thì khi ấy vô minh diệt thì hành diệt... (cho đến) toàn bộ khối khổ lớn ấy đều diệt. Đó gọi là Kinh đại không pháp vậy.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đức Phật dạy trong nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.297. 0084c11). Tham chiếu: S. 12.35 - II. 60; S. 12.36 - II. 63.
[2] Nguyên tác: Sơ trung hậu thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất mãn tịnh, Phạm hạnh thanh bạch (初中後善, 善義, 善味, 純一滿淨, 梵行清白). Xem chú thích 94, kinh số 53, quyển 2, tr. 55; Tạp. 雜 (T.02. 0099.53. 0012c04).
[3] Nguyên tác: Thiện vị (善味). Vị (味, vyañjana) vừa có nghĩa là vị của món ăn vừa có nghĩa là mẫu tự. 49 Đại không pháp kinh (大空法經). Kinh nói về pháp không sâu xa. Pháp không chính là pháp duyên khởi.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.