Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05
QUYỂN 12
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Ta sẽ nói về pháp nhân duyên và pháp duyên sanh.
Thế nào gọi là pháp nhân duyên? Do cái này có nên cái kia có, nghĩa là do duyên vô minh nên có hành, do duyên hành nên có thức,... (cho đến) cứ như thế tụ thành một khối khổ lớn.
Thế nào gọi là pháp duyên sanh? Đó là vô minh, hành... dù đức Phật xuất thế hay chưa xuất thế, pháp này vẫn thường trụ, tức là sự an trú trong pháp duyên khởi và sự quy định của pháp duyên khởi.[2] Pháp này Như Lai đã tự giác, tự tri, thành bậc Giác Ngộ Viên Mãn, vì người khác mà diễn thuyết, khai thị, hiển bày, đó là do duyên vô minh nên có hành,... (cho đến) do duyên sanh nên có già, chết.
Dù đức Phật xuất thế hay chưa xuất thế, pháp này vẫn thường trụ, tức là sự an trú trong pháp duyên khởi và sự quy định của pháp duyên khởi. Pháp này Như Lai đã tự giác tự tri, thành bậc Giác Ngộ Viên Mãn, vì người khác mà diễn thuyết, khai thị, hiển bày, đó là do duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
Các pháp này đều là pháp trụ, pháp không, pháp như, pháp vốn vậy, pháp chẳng lìa như, pháp chẳng khác như, xác thật, chân thật, không điên đảo. Tùy thuận duyên khởi như vậy nên gọi là pháp duyên sanh. Nghĩa là vô minh, hành, thức, danh sắc, sáu nhập xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, gọi là pháp duyên sanh.
Vị Thánh đệ tử đa văn đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sanh này khéo thấy với chánh trí nên chẳng truy tìm về đời trước mà nói rằng: “Tôi ở đời quá khứ có hay không? Tôi trong quá khứ là loài gì? Tôi trong quá khứ như thế nào?” Hoặc chẳng truy tìm về tương lai mà nói rằng: “Tôi ở đời sau là có hay là không? Là loài gì? Là sẽ như thế nào?” Hoặc bên trong chẳng do dự mà nói rằng: “Đây là những thứ gì? Tại sao có cái này? Trước đây chúng là gì? Sau này chúng sẽ là gì? Chúng sanh này từ đâu đến? Ở đây chết rồi sẽ đi về đâu?”
Nếu Sa-môn, Bà-la-môn khởi những kiến chấp phàm tục, nghĩa là kiến chấp về ngã, kiến chấp về chúng sanh, kiến chấp về thọ mạng, hoặc kiến chấp về kiêng kỵ, tốt xấu; một khi tất cả những kiến chấp đó được đoạn dứt, được nhận biết, được đoạn tận gốc rễ của chúng, như chặt đứt ngọn cây đa-la, đời sau chúng thành pháp bất sanh. Đó gọi là vị Thánh đệ tử đa văn đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sanh đã biết đúng như thật, khéo nhìn thấy, khéo tỉnh giác, khéo tu tập, khéo thể nhập vậy.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.296. 0084b12). Tham chiếu: S. 12.20 - II. 25.
[2] Nguyên tác: Pháp trụ, pháp giới (法住, 法界). Pháp trụ (法住, Dhammaṭṭhitatā): Sự an trú trong duyên pháp và duyên khởi. SA. II. 40, Paccayasuttavaṇṇanā: Paccayena hi paccayuppannā dhammā tiṭṭhanti, tasmā paccayova ‘‘dhammaṭṭhitatā’’ti vuccati (Vì an trú trong duyên pháp và duyên khởi, nên được gọi là pháp trụ (Dhammaṭṭhitatā)). Pháp giới (法界, Dhammaniyāmatā): Sự quy định của duyên pháp. SA. II. 40, Paccayasuttavaṇṇanā: Paccayo dhamme niyameti, tasmā ‘‘dhammaniyāmatā’’ti vuccati (Vì sự quy định của duyên pháp, nên được gọi là pháp giới (Dhammaniyāmatā)).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.