Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05
QUYỂN 12
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Thân này chẳng phải sở hữu của các thầy, cũng chẳng phải sở hữu của kẻ khác. Vì do hạnh nguyện tu tập của sáu căn ở đời trước nên mới có được thân này.[2] Những gì là sáu? Đó là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn.
Vị Thánh đệ tử đa văn kia đối với các pháp duyên khởi mà khéo tư duy, quán sát chân chánh: “Có sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân. Do có những pháp ấy nên trong tương lai sẽ có sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não; rồi cứ như thế tụ thành một khối khổ lớn. Đó gọi là có nhân có duyên thì có sự tập khởi của thế gian. Trái lại, nếu không có những pháp ấy, tức không có sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân; những pháp này không có thì trong tương lai không có sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não; như thế thì toàn bộ khối khổ lớn cũng đều diệt.”
Nếu vị Thánh đệ tử đa văn đối với sự tập khởi của thế gian, đối với sự diệt tận của thế gian mà biết đúng như thật, khéo nhìn nhận, khéo tỉnh giác, khéo thể nhập thì đó gọi là vị Thánh đệ tử chiêu cảm pháp lành này, được pháp lành này, biết pháp lành này, thể nhập pháp lành này, biết bằng tuệ giác, thấy bằng tuệ giác về sự sanh diệt ở thế gian, thành tựu pháp xuất ly của Hiền thánh, tịch tịnh, đoạn tận khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau. Vì sao được như thế? Vì vị Thánh đệ tử đa văn đã biết đúng như thật, khéo nhìn thấy, khéo tỉnh giác, khéo thể nhập về sự tập khởi của thế gian và sự diệt tận của thế gian.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.295. 0084a23). Tham chiếu: S. 12.37 - II. 64.
[2] Nguyên tác: Vị lục xúc nhập xứ bổn tu hành nguyện thọ đắc thử thân (謂六觸入處本修行願受得此
身). Tham chiếu: S. 12.37 - II. 64: “Thân này, này các Tỷ-kheo, phải được xem là do hành động, do sắp đặt, do sự cố ý, do sự cảm thọ trong quá khứ” (HT. Thích Minh Châu dịch).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.