Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05
QUYỂN 12
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta đã thoát nghi ngờ, lìa do dự, nhổ gai tà kiến, không bị thoái chuyển. Một khi tâm không còn chấp trước thì chỗ nào cho ngã tồn tại? Ta vì các Tỳkheo mà thuyết pháp ấy. Ta lại vì các Tỳ-kheo mà thuyết pháp xuất thế của Hiền thánh, pháp tùy thuận duyên khởi, tương ưng với Không, nghĩa là do cái này có nên cái kia có, do cái này khởi nên cái kia khởi. Do duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, duyên thức nên có danh sắc, duyên danh sắc nên có sáu nhập xứ, duyên sáu nhập xứ nên có xúc, duyên xúc nên có thọ, duyên thọ nên có ái, duyên ái nên có thủ, duyên thủ nên có hữu, duyên hữu nên có sanh, duyên sanh nên có già, chết, ưu, bi, khổ, não, như thế tụ thành một khối khổ lớn,... (cho đến) cứ như vậy toàn bộ khối khổ lớn ấy đều diệt.
Pháp được thuyết như vậy nhưng có Tỳ-kheo vẫn còn nghi ngờ, do dự. Bởi trước đây chưa đắc mà tưởng đã đắc, chưa đạt mà tưởng đã đạt, chưa chứng mà tưởng đã chứng; nên nay nghe pháp này xong, tâm sanh lo buồn, hối hận, mê mờ, chướng ngại. Vì sao như vậy? Vì đây là chỗ sâu xa, tức là pháp duyên khởi. Sâu xa khó thấy hơn bội phần, đó là xa lìa tất cả thủ, ái tận, vô dục, tịch tịnh, Niết-bàn. Như hai pháp này, đó là hữu vi và vô vi. Pháp hữu vi thì sanh, trụ, dị, diệt; pháp vô vi thì không sanh, không trụ, không dị, không diệt.
Này các Tỳ-kheo![1] Đó gọi là các hành là khổ, tịch diệt là Niết-bàn. Nhân tập khởi thì khổ tập khởi, nhân diệt tận thì khổ diệt tận; đoạn dứt các nẻo đường, cắt đứt sự tương tục, khi sự tương tục chấm dứt thì gọi là vượt thoát khổ đau.
Này các Tỳ-kheo! Những gì diệt tận? Đó là các khổ còn sót lại;[2] khổ ấy nếu diệt sạch, dừng lắng, vắng lặng, ngưng nghỉ, biến mất; nghĩa là tất cả thủ đều bị diệt sạch thì ái tận, vô dục, tịch diệt, Niết-bàn.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy rồi đều hoan hỷ phụng hành.
***
[1] Nguyên tác: Thị danh Tỳ-kheo (是名比丘). Căn cứ vào nội dung kinh có khả năng bản Hán chép nhầm cấu trúc Tỳ-kheo thị danh (比丘是名). Bản dịch Việt dựa trên suy luận này. Xem thêm sự khác biệt về hai cấu trúc này ở kinh số 42; Tạp. 雜 (T.02. 0099.42. 0010c11-c13).
[2] Nguyên tác: Hữu dư khổ (有餘苦).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.