Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05


QUYỂN 12

292. TƯ DUY, QUÁN SÁT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Tư duy, quán sát như thế nào để chấm dứt khổ hoàn toàn,[2] vượt thoát khổ đau? Nên tư duy như vầy: “Chúng sanh gánh chịu nhiều loại khổ đau khác nhau; những khổ đau này do cái gì làm nhân, do cái gì làm tập khởi, do cái gì làm tác sanh, do cái gì làm hiện hữu?” Tư duy như thế sẽ thấy rằng, thủ chính là nhân, thủ làm tập khởi, thủ làm tác sanh, thủ làm hiện hữu. Nếu thủ kia diệt hoàn toàn thì các khổ diệt. Như thế, vị ấy đã biết đúng như thật con đường dẫn đến khổ diệt, liền tu tập theo giáo pháp và thứ lớp của giáo pháp.[3] Đó gọi là Tỳ-kheo hướng đến việc chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau, nghĩa là thủ diệt.

Lại nữa, khi các Tỳ-kheo tư duy, quán sát để chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau thì tư duy như vầy: “Thủ kia do cái gì làm nhân, do cái gì làm tập khởi, do cái gì làm tác sanh, do cái gì làm hiện hữu?” Tư duy như vậy sẽ thấy rằng: Thủ kia do ái làm nhân, do ái làm tập khởi, do ái làm tác sanh, do ái làm hiện hữu. Nếu ái kia diệt hoàn toàn thì thủ kia cũng diệt. Như thế, vị ấy biết đúng như thật con đường dẫn đến thủ diệt, liền tu tập theo giáo pháp và thứ lớp của giáo pháp. Đó gọi là Tỳ-kheo hướng đến việc chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau, nghĩa là ái diệt.

Lại nữa, khi các Tỳ-kheo tư duy, quán sát để chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau thì tư duy như vầy: “Ái kia do cái gì làm nhân, do cái gì làm tập khởi, do cái gì làm tác sanh, do cái gì làm hiện hữu?” Rồi biết rằng: Ái kia do thọ làm nhân, do thọ làm tập khởi, do thọ làm tác sanh, do thọ làm hiện hữu. Nếu thọ kia diệt hoàn toàn thì ái kia cũng diệt. Như thế, vị ấy biết đúng như thật con đường dẫn đến ái diệt, liền tu tập theo giáo pháp và thứ lớp của giáo pháp. Đó gọi là Tỳ-kheo hướng đến việc chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau, nghĩa là thọ diệt.

[0083a05] Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy, quán sát để chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau thì tư duy như vầy: “Thọ kia do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì làm tác sanh, do cái gì làm hiện hữu?” Rồi biết rằng: Thọ kia do xúc làm nhân, do xúc làm tập khởi, do xúc làm tác sanh, do xúc làm hiện hữu. Nếu xúc kia diệt hoàn toàn thì thọ kia cũng diệt. Như thế, vị ấy biết đúng như thật con đường dẫn đến xúc diệt, liền tu tập theo giáo pháp và thứ lớp của giáo pháp. Đó gọi là Tỳ-kheo hướng đến việc chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy, quán sát để chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau thì tư duy như vầy: “Xúc kia do cái gì làm nhân, do cái gì làm tập khởi, do cái gì làm tác sanh, do cái gì làm hiện hữu?” Rồi biết rằng: “Xúc kia do sáu nhập xứ làm nhân, do sáu nhập xứ làm tập khởi, do sáu nhập xứ làm tác sanh, do sáu nhập xứ làm hiện hữu. Nếu sáu nhập xứ kia diệt hoàn toàn thì xúc kia cũng diệt.” Như thế, vị ấy biết đúng như thật con đường dẫn đến lục nhập xứ diệt, liền tu tập theo giáo pháp và thứ lớp của giáo pháp. Đó gọi là Tỳ-kheo hướng đến việc chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy, quán sát để chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau thì tư duy như vầy: “Sáu nhập xứ kia do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì làm tác sanh, do cái gì làm hiện hữu?” Rồi biết rằng: “Sáu nhập xứ kia do danh sắc làm nhân, do danh sắc làm tập khởi, do danh sắc làm tác sanh, do danh sắc làm hiện hữu. Nếu danh sắc kia diệt hoàn toàn thì sáu nhập xứ kia cũng diệt.” Như thế, vị ấy biết đúng như thật con đường dẫn đến danh sắc diệt, liền tu tập theo giáo pháp và thứ lớp của giáo pháp. Đó gọi là Tỳ-kheo hướng đến việc chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau, nghĩa là danh sắc diệt.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy, quán sát để chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau thì tư duy như vầy: “Danh sắc kia do cái gì làm nhân, do cái gì làm tập khởi, do cái gì làm tác sanh, do cái gì làm hiện hữu?” Rồi biết rằng: “Danh sắc kia do thức làm nhân, do thức làm tập khởi, do thức làm tác sanh, do thức làm hiện hữu. Nếu thức kia diệt hoàn toàn thì danh sắc kia cũng diệt.” Như thế, vị ấy biết đúng như thật con đường dẫn đến thức diệt, liền tu tập theo giáo pháp và thứ lớp của giáo pháp. Đó gọi là Tỳ-kheo hướng đến việc chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau, nghĩa là thức diệt.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy, quán sát để chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau thì tư duy như vầy: “Thức kia do cái gì làm nhân, do cái gì làm tập khởi, do cái gì làm tác sanh, do cái gì làm hiện hữu?” Rồi biết rằng: “Thức kia do hành làm nhân, do hành làm tập khởi, do hành làm tác sanh, do hành làm hiện hữu. Nếu tạo hành thiện[4] thì thức thiện sanh, tạo hành bất thiện[5] thì thức bất thiện sanh, tạo hành bất động[6][7] thì thức bất động sanh. Đó là [biết rằng] thức kia do hành làm nhân, do hành làm tập khởi, do hành làm tác sanh, do hành làm hiện hữu. Nếu hành kia diệt hoàn toàn thì thức kia cũng diệt.” Như thế, vị ấy biết đúng như thật con đường dẫn đến hành diệt, liền tu tập theo giáo pháp và thứ lớp của giáo pháp. Đó gọi là Tỳ-kheo hướng đến việc chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau, nghĩa là hành diệt.

[0083b04] Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy, quán sát để chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau thì tư duy như vầy: “Hành kia do cái gì làm nhân, do cái gì làm tập khởi, do cái gì làm tác sanh, do cái gì làm hiện hữu?” Rồi biết rằng: “Hành kia do vô minh làm nhân, do vô minh làm tập khởi, do vô minh làm tác sanh, do vô minh làm hiện hữu. Hành thiện do vô minh làm duyên, hành bất thiện cũng do vô minh làm duyên, hành bất động cũng do vô minh làm duyên. Do đó nên biết, hành kia do vô minh làm nhân, do vô minh làm tập khởi, do vô minh làm tác sanh, do vô minh làm hiện hữu. Nếu vô minh diệt hoàn toàn thì hành kia diệt.” Vị ấy biết đúng như thật con đường dẫn đến vô minh diệt, rồi tu tập theo giáo pháp và thứ lớp của giáo pháp. Đó gọi là Tỳ-kheo hướng đến việc chấm dứt khổ hoàn toàn, vượt thoát khổ đau, nghĩa là vô minh diệt.

Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:

_ Ý các thầy nghĩ sao? Nếu nhàm chán[8] vô minh thì sanh khởi minh, khi ấy có còn duyên với vô minh kia để tạo hành thiện, hành bất thiện hay hành bất động chăng?

Các Tỳ-kheo bạch:

_ Thưa không, bạch Thế Tôn! Vì sao như thế? Vì vị Thánh đệ tử đa văn nhàm chán vô minh thì sanh khởi minh, khi ấy vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt,... (cho đến) sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não diệt, như thế thì toàn bộ khối khổ lớn đều diệt.

Đức Phật dạy:

_ Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo! Ta cũng nói như vậy, các thầy cũng biết như vậy: Ở nơi pháp này pháp kia mà khởi lên pháp này pháp kia; sanh pháp này pháp kia, diệt pháp này pháp kia; tịch diệt, dừng lắng, vắng lặng, ngưng nghỉ, biến mất. Nếu vị Thánh đệ tử đa văn đối với vô minh mà viễn ly[9] thì sanh khởi minh, cảm nhận cảm thọ trong giới hạn của thân,[10] biết như thật cảm nhận cảm thọ trong giới hạn của thân; cảm nhận cảm thọ trong giới hạn của thọ mạng,[11] biết như thật cảm nhận cảm thọ trong giới hạn của thọ mạng; khi thân hoại diệt, thọ mạng sắp tận, tất cả cảm nhận về các cảm thọ này đều diệt tận hoàn toàn.

Ví như vị lực sĩ lấy món đồ gốm mới nung xong, còn nóng bỏng, đặt trên mặt đất thì trong chốc lát vật này sẽ tan vỡ, sức nóng cũng tản mất.[12]

Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với vô minh mà viễn ly thì sanh khởi minh, cảm nhận cảm thọ trong giới hạn của thân, biết như thật cảm nhận cảm thọ trong giới hạn của thân; cảm nhận cảm thọ trong giới hạn của thọ mạng, biết như thật cảm nhận cảm thọ trong giới hạn của thọ mạng; khi thân hoại diệt, thọ mạng sắp tận, tất cả cảm nhận về các cảm thọ này đều diệt tận hoàn toàn.

Đức Phật nói kinh này rồi, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.292. 0082c18). Tham chiếu: S. 12.51 - II. 80.

[2] Nguyên tác: Chánh tận khổ (正盡苦). Thập thượng kinh 十上經 (T.01. 0001.10. 0054a17); Tạp. 雜 (T.02. 0099.108. 0034a14) và Tăng. 增 (T.02. 0125.46.8. 0778c20) đều gọi là bình đẳng tận khổ (平等盡苦). Chánh (正) hoặc bình đẳng (平等) được dịch từ sammā, nghĩa thứ nhất là đúng, chính xác; nghĩa thứ hai là hoàn toàn.

[3] Nguyên tác: Hướng thứ pháp (向次法). Xem chú thích 68, kinh số 27, quyển 1, tr. 24; Tạp. 雜 (T.02. 0099.27. 0005c20).

[4] Nguyên tác: Phước hành (福行, puññābhisaṃkhāro).

[5] Nguyên tác: Bất phước bất thiện hành (不福不善行, apuññābhisaṃkhāro).

[6] Nguyên tác: Vô sở hữu hành (無所有行), Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.31.

[7] .02. 0023a13) ghi là “phi phước bất phước hành” (非福不福行); Câu-xá thích luận 俱舍釋論 (T.29. 1559.7. 0207a20) ghi là “bất động hành” (不動行, āneñjābhisaṃkhāro). Đây chỉ cho hành vi không thiện không ác, điềm tĩnh, không lay động. Theo Pāli-Hán từ điển (巴漢詞典) do Minh Pháp Tôn giả (明法尊者) hiệu đính, āneñjābhisaṃkhāro chỉ cho thiện tâm trong bốn thiền Vô Sắc (指四無色禪善心).

[8] Nguyên tác: Bất lạc (不樂).

[9] Nguyên tác: Ly dục (離欲).

[10] Nguyên tác: Thân phần tề (身分齊).

[11] Nguyên tác: Thọ phần tề (壽分齊).

[12] Bản Hán nghĩa chưa rõ. Tham chiếu: S. 12.51 - II. 80: “Này các Tỷ-kheo, ví như một người từ trong lò nung của người thợ gốm lấy ra một cái ghè nóng và đặt trên một khoảng đất bằng phẳng để sức nóng ở đấy được nguội dần và các miếng sành vụn được gạt bỏ một bên” (HT. Thích Minh Châu dịch). 35 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.293. 0083c01).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.