Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 11
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, đạo sĩ bện tóc Mục-kiền-liên[2] đi đến chỗ đức Phật. Sau khi thăm hỏi nhau xong, Mục-kiền-liên liền ngồi sang một bên.
Khi ấy, Thế Tôn hỏi đạo sĩ bện tóc Mục-kiền-liên:
_Ông từ đâu đến?
Mục-kiền-liên bạch Phật:
_Con vừa theo chúng ngoại đạo xuất gia Sa-môn, Bà-la-môn, Giá-la-ca[3] tụ hội tại giảng đường Vị Tằng để nghe pháp rồi từ đó đến đây.
Đức Phật bảo đạo sĩ bện tóc Mục-kiền-liên:
_Ông vì lợi ích gì[4] mà theo chúng ngoại đạo xuất gia Sa-môn, Bà-la-môn, Giá-la-ca kia nghe pháp?
Mục-kiền-liên thưa:
_Con muốn nghe họ luận bàn và tranh cãi hơn thua với nhau về lợi ích, vì muốn nghe họ bàn luận những điều sai biệt về lợi ích.
Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:
_Từ xưa đến nay, các hàng ngoại đạo xuất gia Sa-môn, Bà-la-môn, Giá-laca ấy thường hay luận bàn và tranh cãi hơn thua với nhau về lợi ích, bàn luận những điều sai biệt về lợi ích rồi phá hoại lẫn nhau.
Đạo sĩ bện tóc Mục-kiền-liên bạch Phật:
_Thưa Cù-đàm! Vì lợi ích gì mà Ngài nói pháp cho các đệ tử, để họ lần lượt truyền dạy đến người khác mà không phỉ báng Như Lai, không thêm không bớt, nói chân thật, nói đúng theo pháp và thứ lớp của giáo pháp,[5] để không một ai có thể đến so sánh, chất vấn hay chỉ trích?
Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:
_Vì lợi ích của quả báo Minh và Giải thoát mà Như Lai lần lượt truyền dạy đến nhiều người để rồi họ không phỉ báng Như Lai, không thêm không bớt, nói chân thật, nói đúng theo pháp và thứ lớp của giáo pháp, để không một ai có thể đến so sánh, chất vấn hay chỉ trích.
Mục-kiền-liên bạch Phật:
_Thưa Cù-đàm! Có pháp nào để các đệ tử tu tập và tu tập thuần thục[6] có thể khiến cho lợi ích của Minh và Giải thoát ấy được viên mãn chăng?
Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:
_Có bảy giác phần,[7] nếu tu tập và tu tập thuần thục thì khiến cho lợi ích của Minh, Giải thoát được viên mãn.
Mục-kiền-liên bạch Phật:
_Có pháp nào mà tu tập có thể khiến bảy giác phần được viên mãn chăng?
Phật bảo:
_Có bốn niệm xứ,[8] nếu tu tập và tu tập thuần thục thì khiến cho bảy giác phần được viên mãn.
Mục-kiền-liên bạch Phật:
_Lại có pháp nào mà tu tập và tu tập thuần thục có thể khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn chăng?
Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:
_Có ba diệu hạnh,[9] nếu tu tập và tu tập thuần thục khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.
Mục-kiền-liên bạch Phật:
_Lại có pháp nào mà tu tập và tu tập thuần thục có thể khiến cho ba diệu hạnh được viên mãn chăng?
Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:
_Có luật nghi phòng hộ sáu căn,[10] nếu tu tập và tu tập thuần thục thì khiến cho ba diệu hạnh được viên mãn.
Mục-kiền-liên bạch Phật:
_Thế nào gọi là luật nghi phòng hộ sáu căn mà tu tập và tu tập thuần thục thì khiến cho ba diệu hạnh được viên mãn?
[0077c02] Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:
_Nếu mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng nhớ, có khả năng nuôi lớn dục lạc, khiến người vướng nhiễm; Tỳ-kheo ấy thấy sắc rồi, không ưa thích, không khen ngợi, không duyên theo, không dính mắc, không trú vào. Nếu mắt thấy sắc không vừa ý, không đáng yêu, không đáng nhớ, đưa đến cảm thọ khổ; những Tỳ-kheo khi thấy sắc như vậy không lo sợ, không ghét bỏ, không chán nản, không tức giận. Đối với sắc đẹp, đưa mắt nhìn thấy rồi, vẫn hoàn toàn không vướng nhiễm; đối với sắc không đẹp, đưa mắt nhìn thấy rồi, cũng hoàn toàn không vướng mắc; nội tâm an trú bất động, khéo tu giải thoát, tâm không lười mỏi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý biết pháp cũng lại như vậy. Đối với sáu xúc nhập xứ mà tu tập và tu tập thuần thục như thế thì viên mãn ba diệu hạnh vậy.
Tu tập ba diệu hạnh như thế nào để bốn niệm xứ được viên mãn? Vị Thánh đệ tử đa văn ở nơi thanh vắng, trong rừng núi, bên gốc cây nên tu học như vầy, tư duy như vầy: “Thân này làm ác thì đời này, đời sau ắt phải chịu quả báo xấu ác. Nếu thân ta làm ác, ắt phải hối hận, người khác khinh chê, Đạo sư quở trách, các bậc Phạm hạnh cũng như pháp mà khiển trách, tiếng xấu đồn xa, lan truyền khắp nơi, khi lâm chung đọa vào địa ngục. Thân mà làm ác thì đời này và đời sau phải chịu quả báo như thế, cho nên đối với thân, cần từ bỏ ác hạnh, tu tập diệu hạnh. Đối với ác hạnh nơi miệng và ý cũng lại như vậy.” Đó gọi là tu tập ba diệu hạnh rồi, bốn niệm xứ được thanh tịnh, viên mãn vậy.
Tu tập bốn niệm xứ như thế nào để bảy giác phần[11] được viên mãn? Này Mụckiền-liên! Như vậy, Tỳ-kheo sống quán thân trong thân, khi vị ấy sống quán thân trong thân nên nhiếp niệm, an trú, không xao nhãng. Lúc đó, vị ấy nỗ lực tu tập niệm giác phần, nỗ lực tu tập niệm giác phần rồi, được niệm giác phần viên mãn; ở nơi tâm niệm ấy mà lựa chọn pháp, tỉnh giác, suy tưởng, tư duy.
Lúc đó, vị ấy nỗ lực tu tập trạch pháp giác phần, nỗ lực tu tập trạch pháp giác phần rồi, được trạch pháp giác phần viên mãn; rồi lựa chọn pháp ấy, tỉnh giác, suy tưởng, tư duy.
Lúc đó, vị ấy nỗ lực tu tập tinh tấn giác phần, tu tập tinh tấn giác phần rồi, được tinh tấn giác phần viên mãn; tinh cần tinh tấn rồi, sanh tâm hoan hỷ.
Lúc đó, vị ấy nỗ lực tu tập hoan hỷ giác phần, tu tập hoan hỷ giác phần rồi, được hoan hỷ giác phần viên mãn; tâm hoan hỷ rồi, thân tâm khinh an.[12]
Lúc đó, vị ấy tu tập khinh an giác phần,[13] tu tập khinh an giác phần rồi, được khinh an giác phần viên mãn; thân tâm tịnh lắng, thành tựu được định.[14]
Lúc đó, vị ấy tu tập định giác phần, tu tập định giác phần rồi, được định giác phần viên mãn; tâm được chuyên nhất, tham ưu chấm dứt, nội thân hành xả.[15]Vị ấy nỗ lực tu tập xả giác phần, tu tập xả giác phần rồi, thành tựu xả giác phần thanh tịnh, viên mãn. Thọ, tâm và pháp cũng tu tập như thế. Tu tập bốn niệm xứ như vậy, bảy giác phần được viên mãn.
[0078a08] Tu tập bảy giác phần như thế nào để Minh và Giải thoát được viên mãn? Này Mục-kiền-liên! Nếu Tỳ-kheo tu niệm giác phần rồi nương nơi viễn ly, nương nơi ly dục, nương nơi diệt tận, hướng đến xả ly,[16] tiến đến tu tập niệm giác phần, Minh và Giải thoát được thanh tịnh, viên mãn. Cho đến tu tập xả giác phần cũng lại như vậy. Đó gọi là đã tu tập bảy giác phần, Minh và Giải thoát được thanh tịnh, viên mãn. Như vậy, này Mục-kiền-liên! Pháp pháp nương nhau, từ bờ này qua đến bờ kia.
Khi nghe đức Phật thuyết pháp này, đạo sĩ bện tóc Mục-kiền-liên xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Bấy giờ, đạo sĩ bện tóc Mục-kiền-liên thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thể nhập giáo pháp, vượt thoát nghi ngờ, không nương ai khác, ở trong giáo pháp được vô sở úy. Thế rồi Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ đức Phật rồi chắp tay thưa rằng:
_Bạch Thế Tôn! Nay con có thể ở trong Giáo pháp và Giới luật này xuất gia, thọ giới Cụ túc, làm phận sự Tỳ-kheo không?
Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:
_Nay ông được xuất gia, thọ giới Cụ túc, làm phận sự Tỳ-kheo ở trong Giáo pháp và Giới luật này. Được xuất gia rồi, ông phải chuyên tâm tư duy, không nên buông lung, như vậy cho đến khi đắc quả A-la-hán.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.281. 0077a29). Tham chiếu: S. 46.6 - V. 73.
[2] Nguyên tác: Oanh phát Mục-kiền-liên xuất gia (縈髮目揵連出家).
[3] Giá-la-ca (遮羅迦, caraka) chỉ cho những vị đạo sĩ du hành.
[4] Nguyên tác: Phước lực (福力), cũng gọi là phước lợi (福利), ích xứ (益處), lợi ích (利益).
[5] Nguyên tác: Pháp thứ pháp (法次法). Xem chú thích 68, kinh số 27, quyển 1, tr. 24; Tạp. 雜 (T.02. 0099.27. 005c20).
[6] Nguyên tác: Đa tu tập (多修習, bahula): Tu tập siêng năng, tu tập thuần thục.
[7] Nguyên tác: Thất giác phần (七覺分, satta bodhipakkhiya). Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0016c11) gọi là “thất giác ý” (七覺意); Thập thượng kinh 十上經 (T.01. 0001.10. 0054b13) gọi là “thất giác pháp” (七覺法); A-tu-la kinh 阿修羅經 (T.01. 0026.35. 0476c21) gọi là “thất giác chi” (七覺支).
[8] Nguyên tác: Tứ niệm xứ (四念處). Tăng. 增 (T.02. 0125.8.6. 0561b21) ghi là “tứ niệm chỉ” (四意
止); Câu-xá luận 俱舍論 (T.29. 1558.4. 0022c16) ghi là “tứ niệm trụ” (四念住): Thân niệm xứ, thọ, tâm và pháp niệm xứ.
[9] Nguyên tác: Tam diệu hạnh (三妙行, tīṇi sucaritāni), còn gọi tam thanh tịnh (三清淨), tam thiện hạnh (三善行), tức 3 nghiệp từ thân, khẩu, ý đều trong sạch, tốt đẹp.
[10] Nguyên tác: Lục xúc nhập xứ (六觸入處, cha phassāyatanā), tức 6 căn môn.
[11] Niệm giác phần (念覺分), trạch pháp giác phần (擇法覺分), tinh tấn giác phần (精進覺分), hoan hỷ giác phần (歡喜覺分), ỷ tức giác phần (猗息覺分), định giác phần (定覺分) và xả giác phần (捨覺分).
[12] Nguyên tác: Thân tâm chỉ tức (身心止息). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.810. 0208b23): Thân tâm ỷ tức (身心猗息).
[13] Nguyên tác: Ỷ tức giác phần (猗息覺分).
[14] Nguyên tác: Tam-ma-đề (三摩提), còn gọi là tam-muội.
[15] Nguyên tác: Nội thân hành xả (內身行捨). Hành xả (行捨): Xả thuộc hành uẩn, là thái độ thản nhiên đối với những triền cái, là một trong 10 loại xả theo Thanh tịnh đạo luận 清淨道論 (N.68. 0035.9. 0158a12) của ngài Buddhaghosa.
[16] Nguyên tác: Y diệt xả (依滅捨). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.726. 0195b23): Y diệt, hướng ư xả (依滅, 向於捨).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.