Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 11
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Đối với sáu căn mà không được điều phục, không đóng kín, không phòng hộ, không giữ gìn, không tu tập thì đời tương lai chắc chắn sẽ chịu quả báo đau khổ.
Sáu căn là những gì? Đó là, nhãn căn không được điều phục, không đóng kín, không phòng hộ, không giữ gìn, không tu tập thì đời tương lai chắc chắn sẽ chịu quả báo đau khổ. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn cũng giống như vậy.
Kẻ phàm phu mê muội thiếu hiểu biết khi mắt thấy sắc liền nắm giữ hình tướng, nắm giữ tướng riêng tốt đẹp, mặc cho mắt rong ruổi theo sắc mà không an trú và không giữ gìn luật nghi nên bị pháp ác, bất thiện và tham ái thế gian lọt vào tâm. Những việc như thế đều do không giữ gìn luật nghi, không phòng hộ nhãn căn. Với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng giống như vậy.
Đó là đối với sáu căn mà không điều phục, không đóng kín, không phòng hộ, không giữ gìn, không tu tập thì đời tương lai chắc chắn sẽ chịu quả báo đau khổ.
[0076b02] Thế nào là sáu căn khéo được điều phục, khéo đóng kín, khéo phòng hộ, khéo giữ gìn, khéo tu tập thì đời tương lai chắc chắn sẽ được phước báo an vui? Vị Thánh đệ tử đa văn khi mắt thấy sắc không nắm giữ hình tướng, không nắm giữ tướng riêng tốt đẹp, dù cho mắt nhìn đến đâu vẫn thường an trú trong luật nghi nên những pháp ác, bất thiện và tham ái ở thế gian không thể lọt vào tâm, là do có khả năng sống với luật nghi, khéo phòng hộ nhãn căn. Với tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn cũng giống như vậy.
Đó là đối với sáu căn mà khéo được điều phục, khéo đóng kín, khéo phòng hộ, khéo giữ gìn, khéo tu tập thì đời tương lai chắc chắn sẽ được phước báo an vui.
Đức Phật liền nói kệ:
Ngay nơi sáu căn này,
Mà sống không luật nghi,
Những Tỳ-kheo như thế,
Mãi mãi chịu khổ đau.
Nơi các pháp luật nghi,
Luôn tinh cần tu tập,
Chánh tín, tâm chuyên nhất,
Phiền não chẳng vào tâm.
Khi mắt thấy sắc kia,
Vừa ý, không vừa ý,
Vừa ý, không ham muốn,
Không vừa, chẳng ghét bỏ.
Tai nghe những âm thanh,
Ưa thích, không ưa thích,
Ưa thích, không dính mắc,
Không thích, chẳng khởi ác.
Mũi ngửi biết các mùi,
Hoặc thơm hoặc không thơm,
Thơm, không thơm bình đẳng,
Không muốn, cũng không trái.
Ăn uống, thọ các vị,
Cũng có ngon và dở,
Vị ngon không khởi tham,
Vị dở không kén chọn.
Thân xúc chạm êm ái,
Mà chẳng sanh buông lung,
Xúc chạm vật thô ráp,
Không sanh tưởng chán ghét.
Khổ vui đều xả hết,
Chẳng diệt làm cho diệt,
Phải quán sát tâm ý,
Các tướng, các tướng kia.
Giả dối mà phân biệt,
Dục tham càng tăng trưởng,
Giác ngộ các ác kia,
An trú tâm lìa dục.
Khéo nhiếp sáu căn này,
Sáu cảnh xúc không động,
Dẹp sạch các ma oán,
Vượt qua bờ tử sanh.
[0076c02] Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.280. 0076c03). Tham chiếu: M. 150, Nagaravindeyya Sutta (Kinh nói cho dân chúng Nagaravinda).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.