Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 11
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại rừng Mâu-chân-lân-đà thuộc xứ Ca-vi-già-la.[2]
Bấy giờ, có vị thiếu niên tên Uất-đa-la,[3] là đệ tử của Ba-la-xà-na[4] đến chỗ đức Phật, cung kính thăm hỏi xong rồi ngồi sang một bên.
Rồi Thế Tôn hỏi Uất-đa-la:
_Thầy của ông là ngài Ba-la-xà-na có dạy tu tập các căn không?
Uất-đa-la trả lời:
_Có dạy, thưa Cù-đàm!
Đức Phật lại hỏi:
_Thầy ông dạy tu tập các căn như thế nào?
Uất-đa-la bạch Phật:
_Thầy con dạy rằng: Mắt không thấy sắc, tai không nghe tiếng, đó là tu tập các căn.
Đức Phật bảo Uất-đa-la:
_Như thầy Ba-la-xà-na của ông nói, chẳng lẽ người mù là người tu căn ư? Vì sao? Vì chỉ có người mù mới không thấy sắc.
[0078b02] Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang đứng cầm quạt hầu sau lưng Thế Tôn, liền nói với Uất-đa-la:
_Như thầy Ba-la-xà-na của ông nói, chẳng lẽ người điếc là người tu căn ư? Vì sao như vậy? Vì chỉ có người điếc mới không nghe được tiếng.
Lúc ấy, Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
_Pháp này khác với pháp tu tập các căn vô thượng trong giáo pháp của Hiền thánh.
Tôn giả A-nan bạch Phật:
_Kính xin Thế Tôn giảng dạy cho các Tỳ-kheo pháp tu tập các căn vô thượng trong giáo pháp của Hiền thánh. Các Tỳ-kheo nghe xong sẽ cung kính thọ trì.
Đức Phật bảo A-nan:
_Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ dạy cho các thầy.
Mắt duyên với sắc sanh ra nhãn thức, thấy sắc vừa ý, cần phải tu theo pháp Như Lai: Yểm ly, chánh niệm và tỉnh giác.[5]
Mắt duyên với sắc sanh ra nhãn thức, thấy sắc không vừa ý, cần phải tu theo pháp Như Lai: Không yểm ly,43 chánh niệm và tỉnh giác.
Mắt duyên sắc sanh ra nhãn thức, thấy sắc vừa ý và không vừa ý, cần tu theo pháp Như Lai: Yểm ly và không yểm ly đồng thời chánh niệm, tỉnh giác.
Mắt duyên sắc sanh ra nhãn thức, thấy sắc không vừa ý và vừa ý, cần tu theo pháp Như Lai: Không yểm ly và yểm ly đồng thời chánh niệm, tỉnh giác.
Mắt duyên sắc sanh ra nhãn thức, thấy sắc vừa ý, không vừa ý và cả vừa ý vừa không vừa ý, cần tu theo pháp Như Lai: Vừa yểm ly vừa không yểm ly, an trú tâm xả và chánh niệm, tỉnh giác.
Như thế, A-nan! Nếu gặp năm trường hợp như trên, tâm cần phải khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo thu nhiếp, khéo tu tập, như thế chính là tu tập các căn vô thượng đối với mắt và sắc. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý biết pháp cũng lại như vậy. Này A-nan! Đó gọi là tu tập các căn vô thượng theo giáo pháp của Hiền thánh.
Tôn giả A-nan bạch Phật:
_Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là bậc Hiền thánh tu tập các căn theo giáo pháp Hiền thánh?
Phật bảo A-nan:
_Khi mắt duyên sắc sanh ra nhãn thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý. Khi ấy, vị Thánh đệ tử kia biết đúng như thật như vầy: Mắt ta duyên sắc sanh ra nhãn thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, đều gọi là xả;[6] được xả rồi, lìa cả yểm ly và không yểm ly. Ví như lực sĩ khảy móng tay; cũng vậy, mắt duyên sắc sanh ra nhãn thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; trong khoảnh khắc đều diệt, lìa yểm ly và không yểm ly, thành tựu xả.
Cũng vậy, tai duyên tiếng sanh ra nhĩ thức, sanh khởi vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử biết đúng như thật rằng: Nhĩ thức của ta nghe tiếng, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý không vừa ý; đây là tịch diệt, thắng diệu, gọi là xả; khi được xả rồi, lìa yểm ly và không yểm ly. Ví như lực sĩ khảy móng tay, tiếng phát ra liền diệt; cũng vậy, tai duyên tiếng sanh ra nhĩ thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; sanh rồi liền diệt sạch, gọi là xả; được xả rồi, lìa yểm ly và không yểm ly.
[0078c06] Cũng vậy, mũi duyên hương sanh ra tỷ thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý. Thánh đệ tử biết đúng như thật như vầy: Mũi duyên hương sanh ra tỷ thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; đây là tịch diệt, thắng diệu, gọi là xả; khi được xả rồi, lìa yểm ly và không yểm ly. Ví như hoa sen không bị thấm nước; cũng vậy, mũi duyên hương sanh tỷ thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; sanh rồi liền diệt sạch, gọi là xả; được xả rồi, lìa yểm ly và không yểm ly.
Cũng vậy, lưỡi duyên vị sanh ra thiệt thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý. Thánh đệ tử biết đúng như thật như vầy: Lưỡi duyên vị sanh ra thiệt thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; đây là tịch diệt, thắng diệu, gọi là xả; khi được xả rồi, lìa yểm ly và không yểm ly. Ví như lực sĩ làm sạch lưỡi, nhổ hết nước bọt; cũng vậy, lưỡi duyên vị sanh ra thiệt thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; sanh rồi liền diệt sạch, gọi là xả; khi được xả rồi, lìa yểm ly và không yểm ly.
Thân duyên xúc sanh ra thân thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; sanh rồi liền diệt sạch. Vị Thánh đệ tử biết đúng như thật như vầy: Thân duyên xúc sanh ra thân thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; sanh rồi liền diệt sạch, tịch diệt, thắng diệu, gọi là xả; đắc xả rồi, lìa yểm ly và không yểm ly. Ví như hòn sắt nung thật nóng, rồi rưới ít giọt nước vào, nước ấy liền tiêu mất; cũng vậy, thân duyên xúc sanh ra thân thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; sanh rồi liền diệt sạch, gọi là xả; được xả rồi, lìa yểm ly và không yểm ly.
Ý duyên pháp sanh ra ý thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; sanh rồi liền diệt sạch. Vị Thánh đệ tử biết đúng như thật như vầy: Ý duyên pháp sanh ra ý thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; sanh rồi liền diệt tận, đây là tịch diệt, thắng diệu, gọi là xả; khi được xả rồi, lìa yểm ly và không yểm ly. Ví như lực sĩ chặt đứt ngọn cây đa-la; cũng vậy, ý duyên pháp sanh ra ý thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; sanh rồi liền diệt sạch, gọi là xả; khi được xả rồi, lìa yểm ly và không yểm ly. Này A-nan, đó gọi là Thánh đệ tử tu tập các căn theo giáo pháp của Hiền thánh.
[0079a08] – Thế nào gọi là bậc Hữu học thấy đạo[7] trong giáo pháp của Hiền thánh?
Đức Phật bảo A-nan:
– Mắt duyên sắc sanh ra nhãn thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; Thánh đệ tử kia hổ thẹn, chán ghét. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy. Ý duyên pháp sanh ra ý thức, khởi lên vừa ý, không vừa ý, cả vừa ý và không vừa ý; Thánh đệ tử hổ thẹn, chán ghét. Này A-nan, đó gọi là bậc Hữu học thấy đạo trong giáo pháp của Hiền thánh. A-nan! Đó gọi là tu tập các căn vô thượng theo giáo pháp của Hiền thánh.
Này A-nan! Ta đã nói về bậc Hiền thánh tu tập các căn và đã nói về bậc Hữu học thấy đạo. Này A-nan! Ta đã vì các đệ tử[8] mà làm xong những việc cần làm, các thầy cũng nên làm những việc cần làm. (Giải thích chi tiết như Kinh ví dụ giỏ rắn độc).[9]
Đức Phật nói kinh này rồi, Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.48
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.282. 0078a22). Tham chiếu: M. 152, Indriyabhāvanā Sutta (Kinh căn tu tập).
[2] Nguyên tác: Ca-vi-già-la Mâu-chân-lân-đà (迦微伽羅牟真隣陀, Kajaṅgala Mukhelu).
[3] Uất-đa-la (欝多羅, Uttara).
[4] Ba-la-xà-na (波羅奢, Pārāsariya): Tên của một Bà-la-môn.
[5] Nguyên tác: Chánh niệm, chánh trí (正念, 正智, sato sampajāno): Chánh niệm, tỉnh giác. 43 Thấy sắc không vừa ý không nên khởi tâm yểm ly, để tránh bị sân chi phối.
[6] Tham chiếu: M. 152, Indriyabhāvanā Sutta (Kinh căn tu tập): Uppannaṃ kho me idaṃ manāpaṃ, uppannaṃ amanāpaṃ, uppannaṃ manāpāmanāpaṃ. Tañca kho saṅkhataṃ oḷārikaṃ paṭiccasamuppannaṃ. Etaṃ santaṃ etaṃ paṇītaṃ yadidaṃ-upekkhā (Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả), HT. Thích Minh Châu dịch.
[7] Nguyên tác: Giác kiến tích (覺見跡). Theo Ngũ chi vật chủ kinh 五支物主經 (T.01. 0026.179. 0721c11) và Tạp. 雜 (T.02. 0099.276. 0075b11), có khả năng là Học kiến tích (學見跡) chỉ cho giai vị Hữu học thấy rõ Thánh đế.
[8] Nguyên tác: Thanh văn (聲聞). Pāli ghi là Sāvaka, vừa có nghĩa Thanh văn (聲聞) vừa có nghĩa là đệ tử (弟子).
[9] Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1172. 0313b14). 48 Bản Hán, hết quyển 11.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.