Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 11

273. VÍ DỤ TIẾNG VỖ CỦA HAI BÀN TAY[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng, tư duy như vầy: “Thế nào là ngã? Ngã tạo ra gì? Những gì là ngã? Ngã trụ vào đâu?”

Sau đó, vị ấy xả thiền, đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi đứng sang một bên và thưa:

_Bạch Thế Tôn! Con một mình ở chỗ vắng tư duy thế này: “Thế nào là ngã? Ngã tạo ra gì? Những gì là ngã? Ngã trụ vào đâu?” Phật nói với Tỳ-kheo:

_Bây giờ, Ta sẽ nói cho thầy nghe về hai pháp, hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Là hai pháp nào? Mắt và sắc là hai, tai và tiếng là hai, mũi và mùi là hai, lưỡi và vị là hai, thân và xúc là hai, ý và pháp là hai. Đó gọi là hai pháp. Này Tỳ-kheo! Nếu có người nói: “Hai pháp mà Sa-môn Cù-đàm nói đó chẳng phải là hai. Nay tôi bỏ hai pháp ấy và lập lại hai pháp khác.” Nhưng người này chỉ nói suông, khi hỏi đến thì không biết, chỉ tăng thêm nghi ngờ, vì đây chẳng phải là cảnh giới của họ. Tại sao? Vì mắt duyên với sắc mới sanh ra nhãn thức.

[0072c02] Này Tỳ-kheo! Đôi mắt ấy là một khối thịt, ở bên trong, do nhân duyên, thể rắn, là chỗ tiếp nhận, đó là yếu tố địa đại bên trong đôi mắt thịt.

Này Tỳ-kheo! Đôi mắt thịt ấy, ở bên trong, do nhân duyên, nước mắt tươm ra, là chỗ tiếp nhận, đó là yếu tố thủy đại bên trong đôi mắt thịt.

Này Tỳ-kheo! Đôi mắt thịt ấy, ở bên trong, do nhân duyên, hơi ấm toát ra, là chỗ tiếp nhận, đó là yếu tố hỏa đại bên trong đôi mắt thịt.

Này Tỳ-kheo! Đôi mắt thịt ấy, ở bên trong, do nhân duyên, chuyển động nhẹ nhàng, là chỗ tiếp nhận, đó là yếu tố phong đại bên trong đôi mắt thịt.

Này Tỳ-kheo! Ví như vỗ hai bàn tay vào nhau sẽ phát ra âm thanh. Cũng vậy, mắt duyên sắc sanh ra nhãn thức, ba yếu tố này hòa hợp gọi là xúc, xúc

 

sanh ra thọ, tưởng, tư. Các pháp này đều chẳng phải ngã, chẳng thường hằng, là cái ngã vô thường, không lâu dài, chẳng an ổn, là cái ngã đổi thay. Vì sao như vậy? Này Tỳ-kheo! Vì đó là pháp dẫn đến tái sanh như sanh, già, chết và hoại diệt.

Này Tỳ-kheo! Các hành như trò huyễn thuật, như sóng nắng, nhanh chóng hoại diệt trong từng sát-na, không thật đến, không thật đi. Thế nên,  này Tỳ-kheo! Đối với tánh không của các hành[2] cần nên biết, nên hoan hỷ, nên nghĩ nhớ, rằng: “Tánh không của các hành là thường, là hằng, là tồn tại, là pháp không thay đổi, là không có ngã và ngã sở.”[3]

Ví như một người có mắt sáng, tay cầm đèn sáng đi vào căn nhà trống rồi ở trong căn nhà trống đó mà quán sát. Cũng vậy, này Tỳ-kheo! Đối với tánh không của các hành, tâm quán sát, hoan hỷ, rằng tánh không của các hành là thường, là hằng, là tồn tại, là pháp không thay đổi, là không có ngã và ngã sở.

Cũng như mắt, với tai, mũi, lưỡi, thân và ý với pháp, nhân duyên sanh ra ý thức, ba thứ này hòa hợp gọi là xúc, xúc sanh ra thọ, tưởng, tư. Các pháp này là vô ngã, vô thường... (cho đến) không có ngã, ngã sở.

Này Tỳ-kheo! Ý thầy nghĩ sao? Mắt là thường hay vô thường?

_Bạch Thế Tôn, là vô thường!

Phật lại hỏi:

_Nếu vô thường là khổ chăng?

Tỳ-kheo thưa:

_Bạch Thế Tôn, là khổ!

Phật lại hỏi:

_Nếu vô thường và khổ là pháp thay đổi, vị Thánh đệ tử đa văn có nên ở trong ấy thấy là ngã, khác ngã, hoặc tồn tại trong nhau chăng?

Tỳ-kheo thưa:

_Bạch Thế Tôn, không nên!

_Với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng giống như vậy. Quán chiếu như vậy, vị Thánh đệ tử đa văn đối với mắt sanh nhàm chán, vì nhàm chán nên không ưa thích, không ưa thích thì được giải thoát, giải thoát tri kiến: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Đối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng sanh nhàm chán như thế.

Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy nghe Phật thuyết Kinh ví dụ tiếng vỗ của hai bàn tay xong, một mình đến chỗ vắng, chuyên tâm tư duy, sống không buông lung... (cho đến) tự biết không còn thọ thân sau, trở thành A-la-hán.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.273. 0072b20). Tham chiếu: S. 35.92 - IV. 67; S. 35.93 - IV. 67.

[2] Nguyên tác: Không chư hành (空諸行): Bản tánh của các hành vốn là không. Tham chiếu: Trung luận 中論 (T.30. 1564.02. 0017b08): Vì sao biết được tất cả các hành đều là nghĩa không? Đáp: Tất cả các hành thực chất hư vọng cho nên là không. Các hành sanh diệt không dừng nghỉ, không tự tánh cho nên

là không. Các hành là tên gọi ngũ ấm, vì từ hành mà sanh nên ngũ ấm được gọi là hành (云何知一切諸行皆是空義? 答曰: 一切諸行虛妄相故空. 諸行生滅不住, 無自性故空. 諸行名五陰, 從行生故. 五陰名行).

[3] Nguyên tác: 不變易法空, 無我我所. Có khả năng dư chữ “không” (空), vì ở đoạn kế tiếp lại ghi: 不變易法, 空我, 我所.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.