Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 10

264. NẮM ĐẤT NHỎ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Khi ấy, có Tỳ-kheo trong khi tọa thiền tư duy, khởi niệm: “Có sắc nào thường hằng, không biến đổi, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào thường hằng, không biến đổi, tồn tại vĩnh viễn chăng?”

Buổi chiều, sau giờ tọa thiền, Tỳ-kheo này đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi đứng qua một bên thưa:

_Bạch Thế Tôn! Trong lúc ngồi thiền tư duy, con khởi niệm: “Có sắc nào thường hằng, không biến đổi, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào thường hằng, không biến đổi, tồn tại vĩnh viễn chăng?” Nay con ngưỡng bạch Thế Tôn: “Có sắc nào thường hằng, không biến đổi, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào thường hằng, không biến đổi, tồn tại vĩnh viễn chăng?”

Bấy giờ, Thế Tôn dùng tay lấy một ít đất[2] rồi hỏi Tỳ-kheo ấy:

_Thầy có thấy chút ít đất trong tay Như Lai không?

Tỳ-kheo bạch Phật:

_Bạch Thế Tôn! Con có thấy.

_Này Tỳ-kheo! Ngã không thể nắm bắt,[3] dù chỉ chút ít như nhúm đất này. Nếu ngã mà có thể nắm bắt được thì ngã ấy mới là pháp thường hằng, không thay đổi, tồn tại vĩnh viễn.

Phật lại nói:

_Nhớ lại kiếp trước, Ta thường tu phước, được những điều kỳ diệu và phước báo đáng quý. Ta đã từng bảy năm tu tập tâm từ, trải qua bảy kiếp thành hoại và Ta không trở lại cõi này. Trong bảy kiếp hoại, Ta sanh lên cõi trời Quang Âm. Trong bảy kiếp thành, Ta lại sanh lên cõi Phạm, làm Đại Phạm vương ở trong cung điện giữa hư không, không ai hơn, không ai trên, thống lãnh cả ngàn thế giới. Từ đó về sau, ba mươi sáu lần Ta làm Đế-thích, rồi lại một trăm ngàn lần làm Chuyển Luân Thánh Vương, thống lãnh bốn thiên hạ,[4] dùng Chánh pháp giáo hóa, cai trị dân, có đầy đủ bảy báu: Bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ma-ni báu, ngọc nữ báu, kho báu và đại thần báu. Ta có đầy đủ một ngàn người con, tất cả đều dũng kiện. Bốn biển, đất đai của Ta đều bằng phẳng, không có gai độc. Ta chẳng dùng uy thế, cũng chẳng bức bách, chỉ dùng Chánh pháp để điều phục dân chúng.

Theo pháp, Vua Quán đảnh có tám mươi bốn ngàn voi ưu tú được trang sức bằng các loại báu, lưới báu, dựng cờ báu; trong đó, voi chúa Bố-tát[5] dẫn đầu, sáng chiều hai thời tự hội họp trước điện. Khi ấy, Ta nghĩ thầm: “Bầy voi to lớn này, mỗi ngày qua lại đạp chết vô số chúng sanh. Ta muốn chỉ với bốn mươi hai ngàn voi và một trăm năm mới đến một lần” thì liền được như nguyện, bốn mươi hai ngàn voi trong số đó một trăm năm mới được đến một lần.

[0068a03] Theo pháp, Vua Quán đảnh cũng lại có tám mươi bốn ngàn con ngựa báu với yên cương bằng vàng ròng, lưới vàng phủ lên trên, ngựa đầu đàn Bà-la dẫn đầu.

Theo pháp, Vua Quán đảnh cũng có tám mươi bốn ngàn cỗ xe được trang hoàng bằng bốn loại báu, như xe vàng, xe bạc, xe lưu ly, xe pha lê. Trên xe được trần thiết bởi các loại da sư tử, da cọp, da beo, lại dùng loại vải dệt lông thú đủ màu sắc làm nệm lót trải lên xe. Trong đó, xe âm thanh Bạt-cầu-tỳ-xà-da-nan-đề[6] dẫn đầu.

Theo pháp, Vua Quán đảnh được thống lãnh tám mươi bốn ngàn thành, tất cả thành ấy đều an ổn, trù phú, dân chúng đông đúc, đứng đầu là thành Câuxá-bà-đề.28

Theo pháp, Vua Quán đảnh có tám mươi bốn ngàn cung điện được làm bằng bốn loại báu như cung điện bằng vàng, cung điện bằng bạc, cung điện bằng lưu ly, cung điện bằng pha lê. Trong đó, cung điện được trang sức bởi mani, lưu ly là thượng thủ.

Theo pháp, Vua Quán đảnh có tám mươi bốn ngàn giường với bốn loại báu như giường bằng vàng, giường bằng bạc, giường bằng lưu ly, giường bằng pha lê. Trên giường trải nệm lụa quý, ngọa cụ ca-lăng-già[7] và được đặt những chiếc gối màu đỏ.

Lại nữa, này Tỳ-kheo! Theo pháp, Vua Quán đảnh lại có tám mươi bốn ngàn y phục được may bằng bốn chất liệu như y bằng lụa,[8] y sô-ma,[9] y đầucưu-la[10] và y câu-triêm-bà.[11]

Lại nữa, này Tỳ-kheo! Theo pháp, Vua Quán đảnh có tám mươi bốn ngàn ngọc nữ dòng Sát-lợi, tựa như dòng Sát-lợi, huống là còn các ngọc nữ khác.

Lại nữa, này Tỳ-kheo! Theo pháp, Vua Quán đảnh có tám mươi bốn ngàn món ăn thức uống tuyệt hảo.

Này Tỳ-kheo! Trong tám mươi bốn ngàn ngọc nữ, vua chỉ chọn một người để hầu hạ; trong tám mươi bốn ngàn y phục báu, vua chỉ mặc một chiếc y; trong tám mươi bốn ngàn giường báu, vua chỉ nằm một giường; trong tám mươi bốn ngàn cung điện, vua chỉ ở một cung; trong tám mươi bốn ngàn thành, vua chỉ ở thành Câu-xá-bà-đề; trong tám mươi bốn ngàn xe báu, vua chỉ cưỡi xe âm thanh Tỳ-xà-da-nan-đề xuất thành du lãm; trong tám mươi bốn ngàn con ngựa báu, vua chỉ cưỡi một con tên là Bà-la-ha có màu lông đuôi xanh biếc; trong tám mươi bốn ngàn thớt voi ưu tú, vua chỉ cưỡi một con tên là Bố-tát-đà khi xuất thành du ngoạn.

Này Tỳ-kheo! Ở đây nhà vua nhờ những nghiệp báo gì mà được oai đức tự tại như vậy? Ở đây chính là nhờ vào ba loại nghiệp báo. Là ba loại nào? Một là bố thí, hai là điều phục, ba là tu đạo.

Này Tỳ-kheo! Nên biết, kẻ phàm phu tập nhiễm năm dục, không biết đủ, không biết chán. Thánh nhân thì do thành tựu đầy đủ trí tuệ cho nên thường biết đủ.

Này Tỳ-kheo! Tất cả các hành quá khứ đã diệt tận, tất cả các hành quá khứ đã thay đổi. Các vật dụng tự nhiên kia, cho đến tên gọi của chúng thảy đều hoại diệt. Vì thế, này Tỳ-kheo! Phải dứt hẳn các hành, phải nhàm chán, xa lìa và đoạn dục, giải thoát.

Này Tỳ-kheo! Sắc là thường hay vô thường?

[0068b05] – Bạch Thế Tôn, là vô thường!

_Nếu vô thường thì khổ chăng?

_Bạch Thế Tôn, là khổ!

_Này Tỳ-kheo! Nếu là vô thường, là khổ thì đó là pháp đổi thay, vậy vị Thánh đệ tử có nên ở trong đó chấp là ngã, khác ngã, hoặc tồn tại trong nhau chăng?

_Bạch Thế Tôn, không nên!

_Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?

_Bạch Thế Tôn, là vô thường!

_Nếu vô thường thì khổ chăng?

_Bạch Thế Tôn, là khổ!

_Này Tỳ-kheo! Nếu là vô thường, là khổ thì đó là pháp đổi thay, vậy Thánh đệ tử có nên ở trong đó chấp là ngã, khác ngã, hoặc tồn tại trong nhau chăng?

_Bạch Thế Tôn, không nên!

Phật lại bảo Tỳ-kheo:

_Những gì thuộc về sắc ở quá khứ, ở tương lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả thứ ấy đều chẳng phải là ngã, chẳng khác ngã, chẳng tồn tại trong nhau. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức ở quá khứ, ở tương lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng khác ngã và chẳng tồn tại trong nhau. Này Tỳ-kheo! Đối với sắc nên sanh tâm nhàm chán, xa lìa, chán ghét để lìa dục, để giải thoát. Và đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nên sanh tâm chán ghét để lìa dục, được giải thoát, giải thoát tri kiến: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Tỳ-kheo ấy nghe lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, đảnh lễ Phật rồi lui ra. Sau đó, vị này thường nghĩ đến lời dạy về ví dụ nắm đất, thường ở một mình nơi vắng vẻ, chuyên cần tư duy, sống không buông lung. Sau khi sống không buông lung, vị ấy đạt được mục đích của một thiện nam cạo bỏ râu tóc, sống không gia đình, chánh tín xuất gia học đạo, để thành tựu Phạm hạnh vô thượng rốt ráo, đã thấy pháp và tự biết mình chứng đắc: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Bấy giờ, Tôn giả ấy cũng tự mình biết pháp, tâm được giải thoát, thành bậc A-la-hán.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.264. 0067c04). Tham chiếu: Ngưu phẩn dụ kinh 牛糞喻經 (T.01. 0026.61. 0496a15); S. 22.96 - III. 143. 

[2] Nguyên tác: Tiểu thổ đoàn (小土摶). Tham chiếu: S. 22.96 - III. 143: Gomayapiṇḍa (miếng phân bò); S. 22.97 - III. 147: Atha kho bhagavā parittaṃ nakhasikhāyaṃ paṃsuṃ (rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trong đầu ngón tay).

[3] Nguyên tác: Ngã bất khả đắc (我不可得), được dịch từ S. 22.96 - III. 143: Attabhāvapaṭilābho natthi (không thể có sự thủ đắc về hữu ngã).

[4] Nguyên tác: Tứ thiên hạ (四天下), còn gọi là “tứ đại châu” (四大洲), tức 4 châu (Đông Thắng Thần châu (東勝神洲, Pubbavideha), Nam Thiệm-bộ châu (南赡部洲, Jambudīpa), Tây Ngưu Hóa châu (西牛貨洲, Goyāniya hoặc Aparagoyāna), Bắc Câu-lô châu (北俱盧洲, Uttarakuru).

[5] Bố-tát (布薩, Uposatha).

[6] Bạt-cầu-tỳ-xà-da-nan-đề (跋求毘闍耶難提, Vejayantaratha). 28 Câu-xá-bà-đề (拘舍婆提, Kusāvatī).

[7] Ca-lăng-già ngọa cụ (迦陵伽臥具), một loại đồ nằm bằng da nai.

[8] Ca-thi-tế y (迦尸細衣): Y bằng lụa.

[9] Sô-ma y (芻摩衣): Y dệt bằng sợi đay.

[10] Đầu-cưu-la y (頭鳩羅衣): Y bằng tơ bông gòn.

[11] Câu-triêm-bà y (拘沾婆衣): Y dệt bằng lông thú.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.