Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ngụ tại làng nuôi bò đốm,[2] thuộc nước Câu-lưu.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_Ta nhờ thấy biết mà sạch hết các phiền não chứ chẳng phải do không thấy biết. Thế nào là nhờ thấy biết mà sạch hết các phiền não chứ chẳng phải do không thấy biết? Nghĩa là thấy biết như thật đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc; đây là thọ, tưởng, hành, thức, đây là sự tập khởi của thức, đây là sự diệt tận của thức. Nếu không có phương pháp tu tập, không tùy thuận thành tựu mà dùng tâm mong cầu cho mình sạch hết các phiền não, tâm được giải thoát, nên biết Tỳ-kheo đó sẽ không thể sạch hết các phiền não và được giải thoát. Vì sao như vậy? Vì chẳng tu tập. Chẳng tu tập những gì? Đó là chẳng tu tập bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần và Thánh đạo tám chi.
Ví như gà mái ấp trứng, muốn được nhiều gà con mà không ấp ủ đúng cách, không giữ cho ấm lạnh điều hòa, lại muốn gà con dùng mỏ hoặc móng để phá vỏ trứng thoát ra an ổn, nên biết gà con kia sẽ không đủ sức để dùng mỏ hoặc móng phá vỏ trứng thoát ra ngoài an ổn. Vì sao như vậy? Vì gà mẹ ấp trứng kia không ấp ủ đúng cách, không giữ cho ấm lạnh điều hòa để ấp dưỡng trứng đúng cách.
[0067b06] Cũng vậy, các Tỳ-kheo không siêng năng tu tập, không tùy thuận thành tựu mà muốn sạch hết các phiền não, muốn được giải thoát thì không thể có việc này. Vì sao như vậy? Vì chẳng tu tập vậy! Chẳng tu tập những gì? Đó là chẳng tu tập bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần và Thánh đạo tám chi.
Nếu Tỳ-kheo tu tập, tùy thuận thành tựu thì dù chẳng muốn khiến cho sạch hết các phiền não, được giải thoát nhưng Tỳ-kheo ấy vẫn tự nhiên sạch hết các phiền não, tâm được giải thoát. Vì sao như vậy? Vì có sự tu tập vậy. Tu tập những gì? Đó là tu tập bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần và Thánh đạo tám chi. Ví như gà mái ấp trứng khéo trưởng dưỡng con mình, theo thời tiết nóng lạnh mà giữ độ ấm thích hợp cho trứng, dù không muốn cho gà con tìm cách mổ vỏ trứng thoát ra mà gà con vẫn có khả năng tìm cách tự thoát ra ngoài an ổn. Vì sao như vậy? Vì gà mẹ ấp trứng kia đã tùy thời tiết nóng hay lạnh để giữ độ ấm thích hợp cho trứng.
Cũng vậy, Tỳ-kheo khéo tìm pháp tu tập, dù chẳng muốn hết các phiền não, được giải thoát, vẫn tự nhiên sạch hết các phiền não, tâm được giải thoát. Vì sao như vậy? Vì siêng năng tu tập vậy. Tu tập những gì? Đó là tu tập bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần và Thánh đạo tám chi. Ví như người thợ giỏi hoặc học trò của người thợ giỏi, tay cầm chặt cán búa làm việc liên tục không ngừng, dần dần cán búa mòn đi một lớp và hiện ra những ngón tay cầm, nhưng người kia chẳng hay biết chỗ cán búa mòn một lớp và hiện ra những ngón tay cầm. Cũng vậy, Tỳ-kheo siêng năng tu tập, tùy thuận thành tựu, không tự thấy biết hôm nay được hết các phiền não như thế này, ngày mai sẽ hết các phiền não như thế này; nhưng Tỳ-kheo kia biết có hết các phiền não. Vì sao như vậy? Vì nhờ tu tập. Tu tập những gì? Tu tập bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần và Thánh đạo tám chi.
Như chiếc thuyền lớn đậu ven biển, trải qua nhiều tháng hè gió xát, mặt trời nung, dây cột từ từ bị đứt. Cũng vậy, Tỳ-kheo tinh cần tu tập, tùy thuận thành tựu thì tất cả kiết sử phiền não ràng buộc dần dần được giải thoát. Vì sao như vậy? Vì do khéo tu tập. Tu tập những gì? Đó là tu tập bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần và Thánh đạo tám chi.
[0067c01] Khi đức Phật nói pháp này, sáu mươi Tỳ-kheo không khởi các phiền não lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.263. 0067a22). Tham chiếu: S. 22.101 - III. 152; A. 7.71 - IV. 125.
[2] Nguyên tác: Tạp sắc mục ngưu tụ lạc (雜色牧牛聚落), một thị trấn ở nước Kuru mà Phật hay dừng chân. Kinh số 245 dịch là Điều Phục Bác Ngưu tụ lạc (調伏駁牛聚落) cũng gọi là Kiếm-ma-sắt-đàm (Kammāsadhamma). Xem chú thích 30, tr. 258.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.