Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 10

262. TRƯỞNG LÃO XIỂN-ĐÀ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, sau khi đức Phật nhập Niết-bàn không lâu, nhiều Tỳ-kheo Thượng tọa trú ở Lộc Uyển, trú xứ của Tiên nhân, thuộc nước Ba-la-nại.

Bấy giờ, vào sáng sớm, Trưởng lão Xiển-đà đắp y, ôm bát vào thành Bala-nại khất thực. Sau khi thọ thực xong, Trưởng lão xếp cất y bát, rửa chân rồi cầm khóa cửa đi từ khu rừng này đến khu rừng kia, từ phòng này đến phòng kia, từ chỗ kinh hành này đến chỗ kinh hành kia, đến mỗi nơi đều thưa với các Tỳ-kheo:

_Xin các ngài hãy dạy cho tôi, nói pháp cho tôi để tôi biết pháp, thấy pháp. Tôi sẽ biết đúng như pháp và đúng như pháp mà quán sát.

Khi ấy, các Tỳ-kheo nói với Xiển-đà:

_Sắc là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Tất cả hành đều vô thường, tất cả pháp đều vô ngã, Niết-bàn là tịch diệt.

Xiển-đà nói với các Tỳ-kheo:

_Tôi đã biết sắc là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Tất cả hành đều vô thường, tất cả pháp đều vô ngã, Niết-bàn là tịch diệt.

Xiển-đà lại nói tiếp:

_Thế nhưng tôi không hoan hỷ khi nghe: “Tất cả các hành là không tịch,[2] không thể nắm bắt, dứt sạch khát ái, lìa dục, Niết-bàn.” Ở trong đó làm gì có ngã mà nói: “Biết như vậy, thấy như vậy thì gọi là thấy pháp”?

Lần thứ hai, thứ ba, Xiển-đà cũng nói như thế.

Xiển-đà lại hỏi:

_Ở trong đây, vị nào có khả năng vì tôi nói pháp, khiến tôi được biết pháp, thấy pháp?

Xiển-đà lại suy nghĩ: “Tôn giả A-nan đang ngụ tại vườn Cù-sư-la, nước Kiêu-thưởng-di,[3] ngài đã từng gần gũi, hầu hạ đức Thế Tôn và được đức Thế Tôn khen ngợi, các bậc Phạm hạnh đều biết như vậy. Chắc chắn Tôn giả ấy có thể vì ta mà nói pháp, khiến cho ta được biết pháp, thấy pháp.”

Sáng sớm hôm sau, Xiển-đà đắp y, ôm bát vào thành Ba-la-nại khất thực. Sau khi thọ thực xong, Trưởng lão lại thu xếp ngọa cụ và mang y bát đi đến nước Kiêu-thưởng-di. Xiển-đà du hành dần dần đến Kiêu-thưởng-di. Đến nơi, Trưởng lão thu cất y bát, rửa chân xong, liền đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi cùng nhau thăm hỏi, Xiển-đà ngồi sang một bên rồi thưa với Tôn giả A-nan:

_Một thời, nhiều Tỳ-kheo Thượng tọa trú ở Lộc Uyển, trụ xứ của Tiên nhân, trong nước Ba-la-nại.

Một hôm nọ, vào lúc sáng sớm, tôi đắp y, ôm bát vào thành Ba-la-nại khất thực. Sau khi thọ thực xong, xếp cất y bát, rửa chân rồi tôi cầm khóa cửa, đi từ khu rừng này đến khu rừng kia, từ phòng này đến phòng kia, từ chỗ kinh hành này đến chỗ kinh hành kia, đến đâu gặp các vị Tỳ-kheo tôi đều thưa rằng: “Xin dạy cho tôi, hãy vì tôi nói pháp, khiến cho tôi được biết pháp, thấy pháp!”

Lúc ấy, các Tỳ-kheo vì tôi mà nói pháp: “Sắc là vô thường; thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường. Tất cả hành đều vô thường, tất cả pháp đều vô ngã, Niếtbàn là tịch diệt.” Khi đó, tôi nói với các Tỳ-kheo: “Tôi đã biết sắc là vô thường; thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường. Tất cả hành đều vô thường, tất cả pháp đều vô ngã, Niết-bàn là tịch diệt. Nhưng tôi không hoan hỷ khi nghe tất cả các hành là không tịch, không thể nắm bắt, dứt sạch khát ái, lìa dục, Niết-bàn. Ở trong đó làm gì có ngã mà nói biết như vậy, thấy như vậy thì gọi là thấy pháp.”

Bấy giờ, tôi nghĩ: “Trong các Tỳ-kheo này, ai là người có khả năng nói pháp khiến cho mình được biết pháp, thấy pháp?” Tôi lại khởi niệm: “Tôn giả A-nan đang ngụ tại vườn Cù-sư-la, nước Kiêu-thưởng-di, ngài đã từng gần gũi, hầu hạ đức Thế Tôn và được đức Thế Tôn khen ngợi, các bậc Phạm hạnh đều biết như vậy. Chắc chắn Tôn giả ấy có thể vì ta mà nói pháp, khiến cho ta được biết pháp, thấy pháp.”

_Lành thay, Tôn giả A-nan! Xin hãy vì tôi mà thuyết pháp, khiến tôi được biết pháp, thấy pháp!

[0066c18] Tôn giả A-nan nói với Xiển-đà:

_Hay thay Xiển-đà! Tôi rất hoan hỷ, tôi mừng cho Hiền giả có thể đối trước người Phạm hạnh không chút che giấu, phá dẹp gai nhọn giả dối.

Này Xiển-đà! Kẻ phàm phu mê muội không thể hiểu sắc là vô thường; thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, tất cả hành đều vô thường, tất cả pháp đều vô ngã, Niết-bàn là tịch diệt. Hiện tại, Hiền giả đã có thể thọ nhận Diệu pháp thù thắng, hãy lắng nghe cho kỹ! Tôi sẽ vì Hiền giả mà giảng nói.

Bấy giờ, Trưởng lão Xiển-đà suy nghĩ: “Ta rất vui vì hiện tại được tâm thắng diệu, tâm hoan hỷ, phấn khởi. Hôm nay, ta có thể lãnh thọ pháp thắng diệu.” Khi ấy, Tôn giả A-nan nói với Xiển-đà:

_Chính tôi được nghe Phật dạy cho Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên như vầy: “Sự điên đảo của người đời dựa vào hai cực đoan, hoặc là có, hoặc là không.[4] Khi người đời chấp thủ các cảnh giới thì tâm liền dính mắc. Này Ca-chiên-diên! Nếu không thọ nhận, không chấp thủ, không dính mắc, không chấp ngã thì khi khổ này sanh thì sanh, khi [khổ này] diệt thì diệt. Này Ca-chiên-diên! Đối với điều này không nghi ngờ, không mê hoặc, không do người khác mà có thể tự biết, đó gọi là chánh kiến mà Như Lai đã nói.

Vì cớ sao? Này Ca-chiên-diên! Nếu quán sát đúng như thật về sự tập khởi của thế gian thì không khởi lên kiến chấp đoạn kiến16 về thế gian; nếu quán sát đúng như thật về sự diệt tận của thế gian thì không khởi lên kiến chấp thường kiến[5] về thế gian. Này Ca-chiên-diên! Như Lai đã xa lìa nhị biên mà thuyết trung đạo: Cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh; nghĩa là duyên vô minh mà có hành cho đến sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não tập khởi. Cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt; nghĩa là vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não diệt tận.”

[0067a08] Khi Tôn giả A-nan nói pháp này xong, Tỳ-kheo Xiển-đà xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Bấy giờ, Xiển-đà đã thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thể nhập giáo pháp, không còn hoài nghi, không nương ai khác, ở trong giáo pháp của bậc Đại sư, được vô sở úy, ông cung kính chắp tay thưa Tôn giả A-nan:

_Thật là cần phải như thế! Rất cần những bậc trí tuệ, Phạm hạnh, thiện tri thức làm giáo thọ, giáo giới, thuyết pháp như thế. Tôi nay từ Tôn giả A-nan mà nghe được pháp này, đối với tất cả hành đều là không, đều là tịch tĩnh, đều không thể nắm bắt, dứt sạch khát ái, lìa dục, diệt tận, Niết-bàn, tâm an lạc và hoàn toàn giải thoát, không còn thoái chuyển, không còn thấy ngã, chỉ thấy Chánh pháp.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói với Xiển-đà:

_Nay Hiền giả đã được thiện lợi lớn, ở trong pháp Phật sâu xa đã được tuệ nhãn của bậc Thánh.

Bấy giờ, hai vị Tôn giả đàm đạo rồi uyển chuyển tùy hỷ. Sau đó, mỗi người trở về nơi của mình.

*

Kệ tóm tắt:

Thâu-lũ-na tam chủng,[6]             
Vô minh diệc hữu tam,
Vô gián đẳng cập Diệt,               
Phú-lâu-na, Xiển-đà.[7]

***

 
Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.262. 0066b06). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.301. 0085c17); S. 12.15 - II. 16; S. 22.90 - III. 132.

[2] Không tịch (空寂): Cảnh giới không có bất cứ tướng trạng nào, không có sanh ra và mất đi, không có sai biệt đối đãi.

[3] Kiêu-thưởng-di (憍賞彌, Kosambī).

[4] Hữu vô (有無, atthitañceva natthitañca): Tồn tại và không tồn tại hay hữu thể và vô thể. 16 Nguyên tác: Vô kiến (無見), tức là “đoạn kiến” (斷見, ucchedadiṭṭhi).

[5] Nguyên tác: Hữu kiến (有見), tức “thường kiến” (常見, sassatadiṭṭhi).

[6] Ba kinh Thâu-lũ-na nằm ở quyển 1, kinh số 30-32.

[7] Nguyên tác Nhiếp tụng: 輸屢那三種; 無明亦有三; 無間等及滅; 富留那, 闡陀. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.