Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả A-nan ngụ tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câu-diệm-di.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói với các Tỳ-kheo:
_Tôn giả Phú-lâu-na Di-đa-la-ni tử[2] khi mới xuất gia, tuy tuổi còn niên thiếu nhưng đã thường nói Diệu pháp sâu xa và dạy tôi như vầy: Này A-nan! Do chấp[3][4] vào pháp sanh khởi[5] rồi cho đó là ngã, chứ không phải pháp không sanh khởi. Này A-nan! Do chấp vào những pháp sanh khởi nào rồi cho đó là ngã, chứ không phải là pháp không sanh khởi? Sắc sanh khởi, [chấp vào] sự sanh khởi đó là ngã chứ không phải không sanh khởi. Thọ, tưởng, hành, thức sanh khởi, [chấp vào] sự sanh khởi đó là ngã chứ không phải không sanh khởi. Ví như có người tay cầm tấm gương sáng hay nhìn vào mặt nước thì có thể nhận thấy khuôn mặt của mình hiện ra trong đó, vì do khuôn mặt hiện ra nên mới thấy chứ không phải không hiện ra. Cho nên, này A-nan! Sắc sanh khởi, chấp vào sự sanh khởi đó là ngã chứ không phải không sanh khởi. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức sanh khởi, chấp vào sự sanh khởi đó là ngã chứ không phải không sanh khởi.
Thế nào, A-nan? Sắc là thường hay vô thường?
Đáp:
_Là vô thường!
_Vô thường là khổ chăng?
_Là khổ!
_Nếu vô thường, khổ, là pháp luôn thay đổi thì Thánh đệ tử có nên ở trong đó chấp là ngã, khác ngã hoặc tồn tại trong nhau chăng?
_Thưa, không!
_Như thế thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
_Là vô thường!
_Nếu vô thường thì là khổ chăng?
_Là khổ!
_Nếu vô thường, khổ, là pháp luôn thay đổi thì vị Thánh đệ tử đa văn có nên ở trong đó chấp là ngã, khác ngã, hoặc tồn tại trong nhau chăng?
_Thưa, không nên!
_Này A-nan! Cho nên, đối với sắc ở quá khứ, ở tương lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng tồn tại trong nhau. Cũng vậy, phải biết như thật, quán như thật các thọ, tưởng, hành, thức ở quá khứ, ở tương lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau. Quán xét như vậy, vị Thánh đệ tử đối với sắc sanh nhàm chán, lìa dục và được giải thoát: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh nhàm chán, lìa dục và được giải thoát: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”
[0066b02] Các Tỳ-kheo nên biết, nhờ Tôn giả ấy mà tôi được lợi ích lớn. Nhờ nghe pháp của Tôn giả ấy nên tôi liền xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Từ khi đó đến nay, tôi thường đem pháp này nói với bốn chúng mà chẳng nói với các tu sĩ Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo. ***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.261. 0066a05). Tham chiếu: S. 22.83 - III. 105.
[2] Phú-lâu-na Di-đa-la-ni tử (富留那彌多羅尼子, Puṇṇa Mantāṇiputta), theo DPPN, Tôn giả Puṇṇa Mantāṇiputta thuộc dòng Bà-la-môn, có mẹ tên là Mantānī, vốn là chị em với Tôn giả A-nhã Kiêutrần-như (Aññā Koṇḍañña) và sinh sống gần Kapilavatthu. Sau khi nghe bài Kinh chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattana Sutta), Tôn giả Kiêu-trần-như trở về lại Kapilavatthu và độ Puṇṇa Mantāṇiputta xuất gia. Tại đây, sau khi tu tập không bao lâu thì Tôn giả Puṇṇa Mantāṇiputta chứng quả A-la-hán.
[3] Nguyên tác: Kế (計): Chấp thủ. Tham chiếu: Đại duyên phương tiện kinh 大緣方便經 (T.01.
[4] .10. 0061c02): Này A-nan, đối với sự chấp ngã, cho đến giới hạn nào được gọi là ngã kiến? (阿難! 夫計我者, 齊幾名我見?). Xem thêm S. 22.83 - III. 105: Upādāya (chấp thủ).
[5] Nguyên tác: Sanh pháp (生法, upapajjati): Sanh ra, nổi lên, hiện khởi.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.