Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 10

260. PHÁP DIỆT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi thăm hỏi nhau xong, Tôn giả Xá-lợi-phất ngồi sang một bên rồi hỏi Tôn giả A-nan:

Tôi có điều muốn hỏi, không biết Hiền giả có thời gian để giải đáp cho chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

Tôn giả cứ hỏi, điều nào con biết sẽ giải đáp!

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

Này A-nan! Gọi là diệt, vậy thế nào là diệt? Ai có diệt này?

Tôn giả A-nan đáp:

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Năm thủ uẩn vốn được tạo tác từ nghiệp quá khứ,[2][3] được mong cầu bởi nghiệp quá khứ, là pháp vô thường, hoại diệt. Vì đó là pháp hoại diệt cho nên gọi là diệt. Năm thủ uẩn là gì? Đó là sắc thủ uẩn được tạo nên từ nghiệp quá khứ, được mong cầu bởi nghiệp quá khứ, là pháp vô thường, hoại diệt. Vì đó là pháp hoại diệt cho nên gọi là diệt. Thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng được tạo nên từ nghiệp quá khứ, được mong cầu bởi nghiệp quá khứ, chúng đều là pháp vô thường, hoại diệt. Vì chúng là pháp hoại diệt cho nên gọi là diệt.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

Đúng thế! Đúng thế! Này A-nan! Như điều Hiền giả nói, năm thủ uẩn này được tạo nên từ nghiệp quá khứ, được mong cầu bởi nghiệp quá khứ, là pháp vô thường, hoại diệt. Vì đó là pháp hoại diệt nên gọi là diệt. Năm thủ uẩn là gì? Đó là sắc thủ uẩn được tạo nên từ nghiệp quá khứ, được mong cầu bởi nghiệp quá khứ, là pháp vô thường, hoại diệt. Vì đó là pháp hoại diệt cho nên gọi là diệt. Thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng được tạo nên từ nghiệp quá khứ, được mong cầu bởi nghiệp quá khứ, chúng đều là pháp vô thường, hoại diệt. Vì chúng là pháp hoại diệt cho nên gọi là diệt.

Này Hiền giả A-nan! Năm thủ uẩn này nếu không phải do nghiệp quá khứ tạo nên, không phải được mong cầu từ nghiệp quá khứ thì làm sao mà diệt được? Này Hiền giả A-nan! Do năm thủ uẩn này được tạo nên từ nghiệp quá khứ, được mong cầu bởi nghiệp quá khứ, là pháp vô thường, hoại diệt. Vì đó là pháp hoại diệt nên gọi là diệt.

[0066a03] Bấy giờ, hai Tôn giả đàm đạo xong, hoan hỷ ra về.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.260. 0065c12). Tham chiếu: S. 22.21 - III. 24.

[2] Nguyên tác: Bổn hành (本行): Nghiệp đời trước. Theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.90.

[3] b27): Nghiệp trong đời quá khứ đã diệt tận, chỉ còn tên gọi, gọi là “hành” (業過去世已滅盡, 但有名, 名為行).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.