Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 10

257. VÔ MINH VÀ MINH (2)[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la cùng ở núi Kỳ-xà quật.

Khi ấy, sau giờ tọa thiền buổi chiều, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất. Sau khi thăm hỏi và tán thán lẫn nhau xong, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la ngồi sang một bên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

_Tôi có điều muốn hỏi, không biết Tôn giả có thời gian để giải đáp cho chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_Hiền giả cứ hỏi, điều nào biết tôi sẽ trả lời!

Tôn giả Câu-hy-la hỏi:

_Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_Vô minh nghĩa là không biết. Không biết là vô minh. Không biết điều gì? Đó là không biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc; không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức, không biết như thật về sự tập khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Này Ma-ha Câu-hy-la! Đối với năm thủ uẩn này mà không thấy, không biết như thật, không thông đạt, ngu si, không sáng suốt thì gọi là vô minh. Người nào có những điều này gọi là người vô minh.

[0065a05] Tôn giả Câu-hy-la lại hỏi:

_Thế nào là minh? Ai có minh này?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_Gọi là minh tức là biết. Biết chính là minh vậy.

Tôn giả Câu-hy-la lại hỏi:

_Biết những điều gì?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_Đó là biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc; biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về sự tập khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Này Hiền giả Câu-hy-la! Đối với năm thủ uẩn này mà biết như thật, thấy như thật, hiểu rõ, giác ngộ, trí tuệ, thông đạt thì gọi là minh. Người nào thành tựu những pháp này gọi là có minh.

Hai Tôn giả cùng đàm đạo, uyển chuyển tùy hỷ, sau đó trở về nơi ở của mình.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.257. 0064c20). Tham chiếu: S. 22.135 - III. 176.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.