Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trong chúng xảy ra một việc tranh cãi nhỏ, Thế Tôn liền quở trách các Tỳ-kheo.
Sáng sớm, Phật đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Thọ thực xong, Ngài ra khỏi thành, thu dọn y bát, rửa chân rồi vào rừng An-đà, đến ngồi bên một gốc cây, lặng lẽ tư duy, khởi niệm như vầy: “Trong chúng có tranh cãi nhỏ, Ta đã quở trách các Tỳ-kheo, nhưng trong đó có nhiều Tỳ-kheo trẻ tuổi, xuất gia chưa bao lâu, nếu không thấy Đại sư, họ sẽ khởi tâm hối hận, lo buồn không vui. Ta đã luôn có lòng thương xót các Tỳ-kheo, bây giờ cũng sẽ vì lòng thương xót mà trở về để thu nhiếp đồ chúng.”
Khi ấy, Đại Phạm thiên vương biết được suy nghĩ của Phật, liền trong khoảnh khắc như lực sĩ duỗi cánh tay, biến mất từ cõi Phạm thiên rồi đến trước Phật và thưa:
_Bạch Thế Tôn! Thật đúng như vậy. Bạch Thiện Thệ! Thật đúng như vậy. Ngài đã quở trách các Tỳ-kheo vì có việc tranh cãi nhỏ, nhưng trong số đó lại có nhiều Tỳ-kheo còn nhỏ tuổi, xuất gia chưa bao lâu, nếu không thấy Đại sư, họ sẽ khởi tâm hối hận, lo buồn không vui. Thế Tôn luôn có lòng thương xót nhiếp thọ chúng Tăng. Thật hay thay! Bạch Thế Tôn! Bây giờ, xin Ngài hãy trở về để thu nhiếp các Tỳ-kheo.
Đức Phật cảm kích tấm lòng chân thành của Phạm thiên nên im lặng nhận lời. Bấy giờ, Đại Phạm thiên vương biết Thế Tôn đã nhận lời liền đảnh lễ và nhiễu quanh ba vòng bên phải rồi biến mất.
[0072a01] Đại Phạm thiên vương vừa đi khỏi, đức Thế Tôn liền trở về vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, trải tọa cụ ngồi ngay thẳng, hiện các tướng vi diệu, khiến cho các Tỳ-kheo bớt e ngại khi đến gặp Ngài. Các Tỳkheo đi đến chỗ Phật với dáng vẻ đầy hổ thẹn. Họ cúi lạy sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
_Người xuất gia mưu sinh thấp kém, cạo bỏ râu tóc, ôm bát xin ăn từng nhà, giống như kẻ bị nguyền rủa.[2] Sở dĩ chấp nhận đời sống như vậy vì muốn mong cầu mục đích tối thượng; vì muốn thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não; vì muốn vượt thoát hoàn toàn khổ đau.
Này các thiện nam! Các thầy không phải bị vua ép buộc hay bị giặc sai sử, không phải vì mắc nợ người, không phải vì sợ hãi, không phải vì mất nguồn sống mà xuất gia. Vậy có phải các thầy vì muốn giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não mà xuất gia chăng?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
_Kính bạch Thế Tôn! Chúng con thật vì mục đích ấy.
Phật nói với các Tỳ-kheo:
_Các thầy vì mục đích cao thượng này mà xuất gia, vậy thì tại sao ở trong chúng đây vẫn còn có kẻ phàm phu mê muội phát khởi tham dục, đắm nhiễm quá độ, sân hận, hung hăng, biếng nhác, thấp hèn, mất chánh niệm, không định tĩnh, các căn mê loạn? Ví như người từ chỗ tối vào chỗ tối, từ chỗ u ám vào chỗ u ám, từ hầm phân đi ra rồi rơi lại hầm phân, lấy máu rửa máu, xa lìa việc ác rồi lại tìm lấy việc ác. Ta nói ví dụ này là vì Tỳ-kheo phàm phu mê muội cũng giống như thế. Lại ví như củi thiêu đốt tử thi rồi vứt bỏ trên gò mả thì người kiếm củi cũng chẳng màng nhặt lấy. Ta nói ví dụ này là vì Tỳ-kheo phàm phu mê muội phát khởi tham dục, đắm nhiễm quá độ, sân hận, hung hăng, biếng nhác, thấp hèn, mất chánh niệm, không định tĩnh, các căn tán loạn cũng giống như thế.
Này các Tỳ-kheo! Có ba niệm bất thiện. Những gì là ba? Đó là niệm tham, niệm sân và niệm hại. Ba niệm này đều do tưởng mà khởi. Thế nào là tưởng? Tưởng có rất nhiều loại, là tưởng tham, tưởng sân, tưởng hại, v.v... Các niệm bất thiện đều từ đây mà sanh. Này các Tỳ-kheo! Có tưởng tham, tưởng sân, tưởng hại, niệm tham, niệm sân, niệm hại và vô số những pháp bất thiện khác. Vậy làm thế nào để diệt sạch chúng hoàn toàn? Phải buộc tâm nơi bốn niệm xứ, trụ tâm nơi Vô tướng tam-muội để tu tập và tu tập thuần thục, pháp xấu, bất thiện từ đó mới được diệt sạch hoàn toàn. Được diệt sạch hoàn toàn, diệt sạch vĩnh viễn chính là nhờ pháp này vậy.
Người thiện nam, người thiện nữ nào có niềm tin và ưa thích đời sống xuất gia nên tu tập Vô tướng tam-muội. Tu tập và tu tập thuần thục rồi sẽ an trụ nơi cửa bất tử, cho đến hoàn toàn được Niết-bàn bất tử.
Ta không cho rằng Niết-bàn bất tử này đạt được là nhờ nương tựa vào ba kiến chấp. Là ba kiến chấp nào? Có một loại kiến chấp thấy như vầy và nói như vầy: “Mạng chính là thân.” Lại có kiến chấp thấy như vầy: “Mạng khác thân khác.” Lại có kiến chấp: “Sắc là ngã, không hai không khác, thường còn không thay đổi.”
Vị Thánh đệ tử đa văn tư duy như vầy: “Trong thế gian có một pháp nào mà khi chấp thủ không dẫn đến sai lầm không?” Tư duy như vậy rồi vị ấy không thấy một pháp nào mà khi chấp thủ không dẫn đến sai lầm: “Nếu ta chấp thủ sắc thì có lỗi lầm; nếu chấp thủ thọ, tưởng, hành, thức thì có lỗi lầm.” Biết như vậy rồi, đối với các pháp ở thế gian không còn chấp thủ, đã không chấp thủ, tự mình chứng ngộ Niết-bàn: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”
[0072b10] Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
*
Kệ tóm tắt:
Ưng thuyết, Tiểu thổ đoàn,
Bào mạt, Nhị vô tri,
Hà lưu, Kỳ lâm, Thọ,
Đề-xá trách, Chư tưởng.[3]
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.272. 0071c14). Tham chiếu: Chí biên kinh 至邊經 (T.01. 0026.140. 0647a15); S. 22.80 - III. 91.
[2] Nguyên tác: 出家之人卑下活命, 剃髮持鉢, 家家乞食, 如被噤咒. Tham chiếu: S. 22.80 - III. 91: Antamidaṃ, bhikkhave, jīvikānaṃ yadidaṃ piṇḍolyaṃ (Này các Tỷ-kheo, đây là nghề sinh sống hèn hạ nhất, tức là nghề khất thực), HT. Thích Minh Châu dịch. Xem thêm Chí biên kinh 至邊經 (T.01. 0026.140. 0647a18): Trong những cách mưu sinh thấp kém nhất, tận cùng nhất, gọi là thực hành khất thực. Thế gian thật sự rất kiêng kỵ, gọi là “kẻ đầu trọc, ôm bát mà đi” (於生活中下極至邊, 謂行乞食. 世間大諱, 謂為禿頭手擎鉢行).
[3] Nguyên tác Nhiếp tụng: 應說, 小土摶; 泡沫, 二無知; 河流, 祇林, 樹; 低舍責, 諸想. Đây là kệ tóm tắt tên 10 bài kinh, từ kinh số 263-272. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bản Hán, hết quyển 10.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.