Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 10

271. TỲ-KHEO ĐỀ-XÁ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Đề-xá cùng nhiều Tỳ-kheo khác tập hợp trong nhà ăn. Tỳ-kheo Đề-xá nói với các Tỳ-kheo:

_Thưa các Hiền giả! Tôi không hiểu Chánh pháp và không thích tu Phạm hạnh nữa. Tôi chỉ ưa ngủ nghỉ và nghi ngờ Chánh pháp.

Khi ấy, trong chúng có một Tỳ-kheo nghe như vậy liền đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi đứng sang một bên và thưa:

_Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo Đề-xá nhân lúc chúng Tăng tập hợp nơi nhà ăn đã nói lên những lời như vầy: “Tôi không hiểu Chánh pháp và không thích tu

Phạm hạnh nữa. Tôi chỉ ưa ngủ nghỉ và nghi ngờ Chánh pháp.” Phật nói với Tỳ-kheo:

_Tỳ-kheo Đề-xá là người si mê, không gìn giữ các căn, ăn uống không tiết độ, đầu đêm và cuối đêm không có tỉnh giác, giải đãi biếng nhác, không siêng năng tinh tấn, không khéo quán sát tư duy pháp thiện. Cho nên, đối với việc hiểu rõ Chánh pháp, thích tu Phạm hạnh, xa lìa ngủ nghỉ và không nghi ngờ Chánh pháp, Đề-xá không thể đạt được. Nếu Tỳ-kheo nào giữ gìn các căn, ăn uống tiết độ, đầu đêm và cuối đêm thường tỉnh giác, tinh tấn quán sát pháp thiện, đối với việc hiểu rõ Chánh pháp, ưa tu Phạm hạnh, xa lìa ngủ nghỉ, không nghi ngờ Chánh pháp nhất định sẽ đạt được.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:

_Thầy hãy đến nói với Tỳ-kheo Đề-xá rằng: “Đại sư truyền gọi thầy!” Tỳ-kheo bạch Phật:

_Xin vâng, thưa Thế Tôn!

Tỳ-kheo này cúi lạy sát chân Phật rồi đi đến chỗ Đề-xá, bảo rằng:

_Trưởng lão Đề-xá! Thế Tôn truyền gọi thầy.

Đề-xá vâng lời, đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi đứng sang một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo Đề-xá:

_Có thật thầy cùng với nhiều Tỳ-kheo tập hợp tại nhà ăn và thầy đã nói những lời như vầy: “Thưa các Trưởng lão! Tôi không hiểu Chánh pháp và không thích tu Phạm hạnh nữa. Tôi chỉ ưa ngủ nghỉ và nghi ngờ Chánh pháp” chăng?

Đề-xá bạch Phật:

_Đúng như vậy, kính bạch Thế Tôn!

Phật hỏi Đề-xá:

_Bây giờ Ta hỏi, thầy hãy trả lời theo ý mình. Ý thầy nghĩ sao? Nếu người nào đối với sắc mà không lìa tham, không lìa mong cầu, không lìa yêu mến, không lìa nhớ nghĩ, không lìa khao khát thì khi sắc ấy không còn hoặc đổi khác đi, người đó có khởi lên lo, buồn, khổ, não không?

[0071b02] Đề-xá bạch Phật:

_Thật có như vậy, kính bạch Thế Tôn! Nếu đối với sắc mà không lìa tham, không lìa mong cầu, không lìa yêu mến, không lìa nhớ nghĩ, không lìa khao khát thì khi sắc ấy không còn hoặc đổi khác đi quả thật sẽ sanh lo, buồn, khổ, não. Bạch Thế Tôn! Thật là như thế, không thể khác.

Phật bảo Đề-xá:

_Lành thay! Lành thay! Này Đề-xá! Với người chưa lìa tham dục đối với sắc, quả đúng như vậy. Này Đề-xá! Người nào đối với thọ, tưởng, hành, thức mà chẳng lìa tham, chẳng lìa mong cầu, chẳng lìa yêu mến, chẳng lìa nhớ nghĩ, chẳng lìa khao khát thì khi thọ, tưởng, hành, thức ấy không còn hoặc đổi khác đi, họ có khởi lên lo, buồn, khổ, não không?

Đề-xá bạch Phật:

_Thật có như vậy, bạch Thế Tôn! Nếu đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không lìa tham, không lìa mong cầu, không lìa yêu mến, không lìa nhớ nghĩ, không lìa khao khát thì khi thọ, tưởng, hành, thức ấy không còn hoặc đổi khác đi quả thật sẽ sanh lo, buồn, khổ, não. Bạch Thế Tôn! Thật là như thế, không thể khác.

Phật bảo Đề-xá:

_Lành thay! Lành thay! Với người chưa lìa tham dục đối với thức, quả đúng như vậy.

Phật hỏi Đề-xá:

_Ý thầy nghĩ sao? Nếu người nào đối với sắc mà không còn tham, không còn mong cầu, không còn yêu mến, không còn nhớ nghĩ, không còn khao khát thì khi sắc ấy tan hoại hoặc đổi khác đi, họ có sanh ra lo, buồn, khổ, não không?

Đề-xá bạch Phật:

_Thưa không, kính bạch Thế Tôn!

_Thật đúng như vậy! Ý thầy thế nào? Người nào đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không còn tham, không còn mong cầu, không còn yêu mến, không còn nhớ nghĩ, không còn khao khát thì khi thọ, tưởng, hành, thức ấy tan hoại hoặc đổi khác đi, họ có sanh ra lo, buồn, khổ, não không?

Đề-xá bạch Phật:

_Thưa không, bạch Thế Tôn! Thật đúng như vậy, không thể khác được.

Phật bảo Đề-xá:

_Lành thay! Lành thay! Này Đề-xá! Bây giờ, Ta sẽ nói ví dụ, người trí nhờ ví dụ mà được hiểu. Ví như hai người cùng đi trên đường, một người biết đường đi và một người không biết. Người không biết nói với người biết đường: “Tôi muốn đến thành kia, thôn kia, làng kia, hãy chỉ đường giúp tôi đến đó!” Người biết đường đi liền chỉ cho người kia: “Anh đi theo con đường này rồi sẽ thấy hai con đường ở phía trước, bỏ con đường bên trái, đi theo con đường bên phải, sau đó gặp một cái hố sâu và một dòng nước lớn; lại bỏ con đường bên trái, theo con đường bên phải sẽ gặp một khu rừng; lại bỏ con đường bên trái, theo con đường bên phải, anh cứ như thế mà từ từ đi về phía trước sẽ đến thành kia.” Phật lại bảo Đề-xá:

_Ví dụ này có nghĩa như vầy: Người không biết đường ví cho kẻ phàm phu si mê, người biết đường ví cho Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Hai con đường phía trước là chỉ cho sự hoài nghi của chúng sanh. Con đường bên trái dụ cho ba pháp bất thiện là tham dục, sân hận, não hại;[2] con đường bên phải chỉ cho ba pháp thiện là xa lìa tham dục, không sân hận, không não hại.[3] Đi đường bên trái là dụ cho tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm và tà định. Đi đường bên phải là chỉ cho chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Hầm hố và dòng nước lớn là chỉ cho sự sân hận cùng các chướng ngại và các nỗi lo buồn. Rừng cây là chỉ cho năm loại dục. Thành đô là dụ cho Niết-bàn.

[0071c07] Phật lại bảo Đề-xá:

_Này Đề-xá! Như Lai là bậc Đại sư, những gì cần làm cho đệ tử đã làm xong, mọi việc cần làm đều đã làm. Như hôm nay, vì lòng thương xót mà đem đến sự lợi ích, sự an lạc cho thầy. Bây giờ, thầy nên làm việc phải làm, hãy đến bên gốc cây, hoặc chỗ đất trống, hoặc trong hang núi, trải cỏ làm tòa ngồi, khéo chánh niệm tư duy, tinh cần tu tập, chớ buông lung, đừng để sau này phải hối hận. Đó là những điều hôm nay Ta dạy thầy.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Đề-xá nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.271. 0071a04). Tham chiếu: S. 22.84 - III. 106.

[2] Nguyên tác: Tham, khuể, hại giác (貪, 恚, 害覺). Đây còn gọi là 3 bất thiện tầm, gồm: (i) Dục tầm (kāmavitakka) là những suy nghĩ liên hệ đến dục lạc; (ii) Sân tầm (byāpādavitakka) là những suy nghĩ liên hệ đến sân hận; (iii) Hại tầm (vihiṃsāvitakka) là những suy nghĩ ác độc, mưu hại chúng sanh.

[3] Cũng gọi là 3 thiện giác, chỉ cho 3 loại thiện giác dùng để đối trị 3 loại ác giác, đó là: (i) Ly dục giác (cũng gọi xuất giác): Dùng để đối trị dục giác; (ii) Vô khuể giác (cũng gọi vô sân giác): Dùng để đối trị sân giác; (iii) Vô hại giác: Dùng để đối trị hại giác.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.