Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Trong dòng sanh tử từ vô thỉ, chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái kiết buộc ràng, mãi chịu luân hồi mà không biết đâu là cội nguồn của khổ đau.
Này các Tỳ-kheo! Ví như con chó bị buộc dây vào cây cột, vì sợi dây buộc không đứt nên nó chỉ xoay chuyển quanh cây cột, dù đứng hay nằm vẫn không thoát khỏi cây cột. Cũng thế, chúng sanh phàm phu đối với sắc mà chẳng xa lìa tham dục, chẳng xa lìa yêu thích, chẳng xa lìa nghĩ nhớ, chẳng xa lìa khao khát thì phải quanh quẩn nơi sắc, chạy vòng quanh sắc, dù đứng hay nằm cũng chẳng xa lìa sắc. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức, quanh quẩn nơi thọ, tưởng, hành, thức, chạy vòng quanh thức, dù đứng hay nằm cũng không thoát khỏi thức.
Này các Tỳ-kheo! Hãy khéo tư duy quán sát tâm mình. Vì sao như vậy? Vì tâm luôn bị ô nhiễm bởi tham dục, sân hận và ngu si. Này các Tỳ-kheo! Vì tâm phiền não nên chúng sanh phiền não. Vì tâm thanh tịnh nên chúng sanh thanh tịnh.
Này các Tỳ-kheo! Ta không thấy một sanh loại nào có sự đa dạng về sắc màu như loài chim nhiều màu sắc. Tâm còn phức tạp hơn thế! Vì sao như vậy? Vì tâm của loài súc sanh kia có nhiều loại nên màu sắc của nó cũng đa dạng. Thế nên, Tỳ-kheo phải khéo tư duy quán sát tâm mình.
Này các Tỳ-kheo! Tâm luôn ô nhiễm bởi các thứ tham dục, sân hận và ngu si. Vì tâm phiền não nên chúng sanh phiền não, vì tâm thanh tịnh nên chúng sanh thanh tịnh.
Này các Tỳ-kheo! Các thầy có thấy loài chim Ta-lan-na có nhiều màu sắc không?
Các Tỳ-kheo thưa:
_Bạch Thế Tôn! Chúng con đã từng thấy.
Phật nói với các Tỳ-kheo:
_Như loài chim Ta-lan-na nhiều màu sắc, Ta nói tâm của nó cũng có nhiều loại như thế. Vì sao như vậy? Vì chim Ta-lan-na có nhiều tâm nên chúng có nhiều màu sắc. Thế nên, các Tỳ-kheo phải khéo tư duy quán sát tâm mình, bởi tâm luôn ô nhiễm bởi tham dục, sân hận và ngu si. Tâm phiền não thì chúng sanh phiền não, tâm thanh tịnh thì chúng sanh thanh tịnh.
Ví như người thợ vẽ hoặc học trò của người thợ vẽ khéo nhồi đất sạch, rồi dùng các thứ màu để vẽ lên đó nhiều loại hình tượng theo ý mình. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Chúng sanh phàm phu mê muội không biết như thật về sắc, sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc và sự thoát ly của sắc. Vì không biết như thật về sắc cho nên đã ưa thích và đắm trước sắc. Vì ưa thích và đắm trước sắc nên lại sanh ra các sắc ở tương lai. Cũng vậy, chúng sanh phàm phu mê muội không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức, về sự tập khởi của thức, sự diệt tận của thức, vị ngọt của thức, sự tai hại của thức và sự thoát ly của thức. Vì không biết như thật cho nên đã ưa thích và đắm trước vào thức. Vì ưa thích và đắm trước vào thức nên lại sanh ra các thức ở tương lai. Vì sẽ sanh ra các sắc, thọ, tưởng, hành, thức ở tương lai cho nên không thể thoát khỏi sắc, không thoát khỏi thọ, tưởng, hành, thức. Do đó, Như Lai nói chúng sanh ấy không thể thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não.
[0070a03] Vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về sắc, sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc và sự thoát ly của sắc. Vì biết như thật về sắc cho nên không ưa thích và đắm trước sắc. Vì không ưa thích và đắm trước sắc nên không sanh ra sắc ở tương lai. Cũng vậy, vị ấy biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức, về sự tập khởi của thức, sự diệt tận của thức, vị ngọt của thức, sự tai hại của thức và sự thoát ly của thức. Vì biết như thật cho nên không đắm trước nơi thức. Vì không đắm trước nên không sanh ra các thức ở tương lai. Đã không ưa thích và đắm trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì đối với sắc được giải thoát, đối với thọ, tưởng, hành, thức được giải thoát. Cho nên, Như Lai nói họ giải thoát sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.267. 0069c02). Tham chiếu: S. 22.100 - III. 151.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.