Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 9

234. TẬN CÙNG THẾ GIỚI[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ta không cho rằng con người có thể đi đến tận cùng thế giới và Ta cũng không cho rằng, không phải đi đến tận cùng thế giới mà có thể vượt thoát khổ đau.[2]

Nói như vậy rồi đức Thế Tôn vào thất tọa thiền.

Sau khi Thế Tôn rời đi, có nhiều Tỳ-kheo bàn luận với nhau: “Vừa rồi đức Thế Tôn nói pháp một cách vắn tắt rằng: ‘Ta không cho rằng con người có thể đi đến tận cùng thế giới và Ta cũng không cho rằng, không phải đi đến tận cùng thế giới mà có thể vượt thoát khổ đau.’ Nói như vậy rồi Ngài vào thất tọa thiền. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ giáo pháp mà Thế Tôn đã nói vắn tắt. Trong chư vị Tôn giả, ai là người có thể giảng rộng ý nghĩa giáo pháp mà Thế Tôn đã nói một cách vắn tắt cho chúng ta?”

Rồi họ lại nghĩ: “Tôn giả A-nan là người thường hầu cận Thế Tôn, thường được đấng Đại sư khen ngợi là người thông minh và Phạm hạnh. Chỉ có Tôn giả ấy mới có thể giảng rộng nghĩa lý giáo pháp mà Thế Tôn đã nói vắn tắt cho chúng ta. Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau đến chỗ Tôn giả A-nan để thỉnh cầu Tôn giả ấy giảng giải.”

Nghĩ thế rồi, nhiều Tỳ-kheo cùng đi đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi chào hỏi nhau xong, họ ngồi qua một bên rồi đem những việc trên hỏi Tôn giả A-nan.

Tôn giả A-nan nói với các Tỳ-kheo:

– Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Tôi sẽ vì các thầy mà giảng nói. Nếu là thế gian thì tên gọi thế gian, sự hiểu biết của thế gian, ngôn từ thế gian, lời nói thế gian, những điều này đều thuộc vào quy luật thế gian. Thưa các Tôn giả! Như mắt là thế gian, đó là tên gọi thế gian, sự hiểu biết của thế gian, ngôn từ thế gian, lời nói thế gian, những điều này đều thuộc vào quy luật thế gian. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng giống như vậy.

Nếu vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về sự tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, tai họa và sự xuất ly của sáu căn này, đó gọi là vị Thánh đệ tử đi đến tận cùng thế giới, biết thế gian, được thế gian tôn trọng và vượt qua thế gian.

Rồi Tôn giả A-nan nói kệ:

Chẳng phải bằng đôi chân,

Đến tận cùng thế giới,

Chẳng tận cùng thế giới,

Không thể thoát khổ đau.

Thế nên đức Mâu-ni,

Gọi người biết thế gian,

Đến tận cùng thế giới,

Là đã lập Phạm hạnh.

Tận thế giới chỉ có,

Chánh trí mới thật rõ,

Giác ngộ thấu thế gian,

Nên nói đến bờ kia.

Như thế, này các Tôn giả! Vừa rồi, đức Thế Tôn nói pháp một cách vắn tắt xong thì vào tịnh thất tọa thiền. Nay tôi đã vì các thầy mà nói rộng nghĩa lý ấy. Tôn giả A-nan nói rõ nghĩa lý này xong, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả giảng giải đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.234. 0056c12). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1307. 0359a10); S. 2.26 - I. 142; S. 35.116 - IV. 93; A. 4.45 - II. 47; A. 4.46 - II. 49.  

[2] Tham chiếu: S. 35.116 - IV. 93: “Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới” (HT. Thích Minh Châu dịch).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.