Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nay Ta sẽ nói về sự tập khởi của thế gian, sự diệt tận của thế gian và con đường đưa đến sự diệt tận thế gian. Các thầy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ!
Thế nào là thế gian? Đó là sáu căn.[3] Những gì là sáu? Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đây là sáu căn.[4]
Thế nào là sự tập khởi của thế gian? Đó là khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai,[5] đi cùng với hỷ tham rồi đắm trước chỗ này chỗ kia.
Thế nào là sự diệt tận của thế gian? Là khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ tham rồi đắm trước chỗ này chỗ kia đã bị đoạn sạch hoàn toàn, đã buông xả, đã nhổ bỏ, đã dứt sạch, đã lìa dục, tịch diệt, tịch tĩnh, vắng lặng.
Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thế gian? Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.233. 0056c02). Tham chiếu: S. 12.44 - II. 73; S.
[2] .107 - IV. 87.
[3] Nguyên tác: Lục nội nhập xứ (六內入處). Tạp. 雜 (T.02. 0099.68. 0018a24) ghi là “lục nhập xứ” (六入處). Xứ (處, āyatana): Cơ sở, nền tảng, nguồn cội, căn.
[4] Xem thêm Tạp. 雜 (T.02. 0099.892. 0224b26).
[5] Nguyên tác: Đương lai hữu ái (當來有愛). Tham chiếu: Úc-già trưởng giả kinh 郁伽長者經 (T.01. 0026.38. 0673a06): Khát ái này sẽ dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai (此愛當受未來有, taṇhāya ponobbhavikāya).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.